Ngày 12-3, Công an TP.HCM tổ chức Lễ ký kết kế hoạch phối hợp giữa Công an TP và Sở GD&ĐT, triển khai thực hiện chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030.
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết: Sau ba năm thực hiện chương trình, chỉ thị, đề án của trung ương và TP, việc huy động Nhân dân, các cơ quan ban ngành cùng vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao kiến thức cũng như ý thức của Nhân dân về thủ đoạn, tác hại của ma túy đã có chuyển biến tích cực.
Theo Giám đốc Công an TP.HCM, công tác quản lý địa bàn, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện và trong quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện lợi dụng hoạt động tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, ma túy núp bóng shisha khí cười, thuốc lá điện tử... đã được thực hiện đồng bộ ở các cấp, các lực lượng chức năng.
Trong phòng, chống ma túy trong trường học, lực lượng Công an cơ sở thường xuyên phối hợp các cơ sở giáo dục thông tin, tuyên truyền đến thầy cô, học sinh và các hộ dân xung quanh trường học để phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Trung tướng Lê Hồng Nam nhìn nhận thời gian tới, tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, khó lường.
“Các tổ chức tội phạm ma túy thế giới sẽ lợi dụng địa bàn Việt Nam làm nơi trung chuyển ma túy và tiền chất ma túy. Các đối tượng phạm tội về ma túy trong nước liên kết chặt chẽ với đối tượng người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài để vận chuyển, mua bán ma túy qua biên giới” – ông Nam nêu.
Tại TP.HCM, các đối tượng sẽ tăng cường nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để lôi kéo thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng các loại ma túy.
“Do đó, phòng, chống ma túy trong cơ sở giáo dục đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của Ban Giám hiệu, các thầy cô, học sinh, gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi trường học trú đóng” – Trung tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, Giám đốc Công an TP.HCM yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung.
Cụ thể, rà soát lại quy chế, Kế hoạch đã ký kết giữa Công an cấp huyện với Phòng GD&ĐT; giữa Công an cấp xã với các Trường học trú đóng trên địa bàn để tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm và tệ nạn ma túy.
Thông tin số điện thoại đường dây nóng của Công an cấp xã, cấp huyện để trường học thông tin đến học sinh, phụ huynh khi cần phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp Phòng Tham mưu xây dựng tài liệu tuyên truyền phương thức thủ đoạn, tác hại, nhận diện các hình thức ngụy trang của các loại ma túy để cung cấp cho Sở GD&ĐT và Công an địa phương tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh.
Công an cấp xã tổ chức cho các hộ dân xung quanh trường học ký cam kết không tàng trữ, kinh doanh thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc xuất xứ; không bán thuốc lá, thuốc lá điện tử cho học sinh, sinh viên.