Thế nhưng nó có thực tế như hiện thực hay chỉ là kịch bản đẹp được dựng lên từ một cái nền chưa đủ đẹp?
Điều ước Thứ 7là một trong số các chương trình truyền hình thực tế của VTV3. Chương trình số thứ 43, phát sóng ngày 10-1, là một bất ngờ đáng buồn vì chuyện tình đầy xúc động của cô gái mù và chàng trai tốt nghiệp Học viện Âm nhạc có nhiều chi tiết không thật, thậm chí nhân vật nam lại đang có một gia đình khác.
Khi sự thật phơi bày, người trong cuộc mặc cảm, đau khổ… khán giả hoang mang, mất lòng tin và tự hỏi đài truyền hình đã làm gì trong vụ việc này?
Xem xét lại quy trình sản xuất một chương trình như Điều ước Thứ 7, có thể thấy khá nhiều lỗ hổng đã bị lướt qua một cách không thỏa đáng.
Nhân vật là yếu tố then chốt của một chương trình thực tế. Nhân vật nam chính, Nguyễn Nhật Thanh, thân thế ra sao, học hành tới đâu, hoàn cảnh gia đình… chắc chắn phải lộ ra ngay từ khâu hồ sơ. Thế nhưng toàn bộ êkíp, là những nhà báo chuyên nghiệp, hoàn toàn không hay biết. Về nghiệp vụ truyền hình lại càng kỳ lạ. Lý do gì một chuyện tình đẹp như vậy, khác thường như vậy mà VTV3 chỉ sử dụng đúng một thủ pháp cho hai nhân vật tự kể về mình, không mượn thêm nhân chứng sống nào để tăng tính thuyết phục ngoài ông Nguyễn Văn Cường, cha ruột cô gái mù và một phụ nữ tên Nguyễn Thị Tuyết, không rõ mối quan hệ vì phóng sự không chú thích.
Việc tự biên tự diễn kéo dài gần hết thời lượng chương trình cho đến phân cảnh cuối cùng tại khán phòng cuộc thi Sao Mai điểm hẹn mới thấy có quần chúng. Chương trình thực tế nhưng hoàn toàn một chiều, không có yếu tố tương tác, vốn là thủ pháp tạo hiệu ứng lan truyền rất hiệu quả trong truyền hình, do đó khá lỏng lẻo, thậm chí dễ dãi khi muốn thuyết phục người khác.
Đến chiều 16-1, tổng đạo diễn chính, ông Lại Bắc Hải Đăng chính thức lên tiếng trả lời cho câu hỏi lớn: “Vì sao chương trình gác năm 2014 vẫn lên sóng năm 2015?”. Ông Đăng lý giải do êkíp đã hoàn toàn tin tưởng lời giải thích của nhân vật về những “lùm xùm” nên - một lần nữa - không kiểm chứng tận nơi mà cho phát chương trình luôn, cũng theo nguyện vọng của nhân vật.
Không thể phủ nhận những mục tiêu tốt đẹp chương trình Điều ước Thứ 7 nhắm đến, chuyện tình cô gái mù cũng không ngoại lệ. Một thông tin hay, một câu chuyện đẹp hẳn bất cứ ai cũng muốn lắng nghe. Tuy nhiên, nếu đã nâng tầm nó trở thành một sản phẩm báo chí thì chắc chắn tính xác thực của nó phải được đảm bảo. Với một con người hay một chương trình, lòng tin trước hết cần được nuôi dưỡng bằng việc nó chân thực trước khi nó đẹp đẽ.