Sáng 18-3, Sở Y tế TP.HCM, Sở GD&ĐT TP và các đơn vị liên quan đã có buổi họp bàn về công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học như sởi, thủy đậu, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, quai bị, cúm A/H5N1… Theo đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là các trường học, nhất là mầm non đang đối diện với nhiều dịch bệnh, có nguy cơ bùng phát cao nhưng kinh phí và nhân sự lại không có.
Cẩn trọng với “chùm bệnh” ở trường
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hầu hết các dịch bệnh hiện nay đều rơi vào trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm trên dưới 50%, nhất là tuổi mầm non và tiểu học. Đặc biệt trong bốn tuần vừa qua, bệnh tay-chân-miệng đang có xu hướng gia tăng theo từng ngày và từng tuần, mỗi tuần gia tăng trung bình 20 trường hợp, đa số là dưới ba tuổi. So với năm trước, bệnh xuất hiện sớm hơn, tốc độ gia tăng bệnh nằm trong chu kỳ bình thường hằng năm, tuy nhiên nếu không khống chế kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành các “chùm bệnh” ở trường, khó kiểm soát. Trẻ bệnh được nhập viện sẽ dễ kiểm soát hơn các trẻ bệnh nhẹ bên ngoài. Khó khăn hiện nay là có những trẻ đã có biểu hiện bệnh nhưng phụ huynh giấu và cố gắng “lách” để cho con đi học vì họ không có thời gian chăm trẻ ở nhà. Điều này sẽ tạo nguồn lây rất lớn trong trường học.
Vì vậy, bốn vấn đề hiện nay mà ngành y tế và giáo dục cần phải làm đối với dịch bệnh trong trường học là kiểm soát nguồn lây, làm sao phát hiện sớm để cách ly trẻ đúng cách; vệ sinh môi trường học đường, vệ sinh cá nhân, trường lớp; tiêm chủng phòng bệnh; truyền thông cho tập thể nhà trường, phụ huynh và cộng đồng vì 50% mắc bệnh truyền nhiễm xuất phát từ trường học.
Theo ông Trí Dũng, trong mùa dịch như hiện nay, nguyên tắc là nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện bệnh, cách tốt nhất là cho trẻ nghỉ học, cách ly ở nhà để tránh nguy cơ phát thành ổ dịch. Phụ huynh không được giấu bệnh của trẻ, dù biểu hiện nhẹ, thông báo lý do nghỉ học nếu có để phối hợp với nhà trường hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch. Nhà trường, giáo viên phải kiên quyết, không chủ quan với các biểu hiện bệnh của trẻ, cần thiết phải thông báo cho phụ huynh để cách ly ở nhà vì nguy cơ lây lan ở trẻ nhỏ rất mạnh.
Cần cho trẻ uống nhiều nước trong những ngày nóng như thế này. Ảnh: TÙNG SƠN
Thiếu tiền chống dịch
Ông Nguyễn Tài Dũng, bác sĩ chuyên khoa II, Phó Trưởng phòng Công tác HSSV của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã yêu cầu các trường phải tăng cường làm vệ sinh, kháng khuẩn, căn dặn phụ huynh… để hạn chế tối đa mầm bệnh. Nhiều giáo viên phải thông báo cho từng phụ huynh về tiêm chủng phòng dịch nếu phụ huynh không báo cáo, rồi họ phải lập danh sách gửi cho y tế để kiểm soát.
Công việc các trường phải làm theo yêu cầu thì rất nhiều từ lo xà bông, hướng dẫn trẻ rửa tay, kháng khuẩn, vệ sinh hằng ngày… nhưng khó khăn nhất hiện nay là kinh phí không có, mua hóa chất kháng khuẩn của Trung Quốc cũng không có tiền, thu thêm từ phụ huynh cũng không được.
Vì vậy Sở đang có đề nghị phải làm sao trong dự trù kinh phí phòng, chống dịch của ngành y tế phải có kinh phí cho các trường học, nếu như không có sẽ đề xuất UBND TP đồng ý cho thu thêm từ phụ huynh khoản tiền riêng để phòng, chống dịch.
PHẠM ANH
Nắng nóng, nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa Ngày 18-3, BS Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch, Tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết trong vài ngày qua, số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện đông hơn tuần trước. Nhiều nhất là bệnh hô hấp, bệnh lý đường tiêu hóa và các bệnh dịch sởi, tay-chân-miệng… Còn tại BV Nhi đồng 1, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.800 trẻ nên hiện số trẻ đến khám chưa có gì đột biến. Các bệnh chủ yếu vẫn là bệnh đường hô hấp, sốt, tiêu chảy… BS Phạm Mai Đằng khuyến cáo: Nắng nóng, nhiệt độ thay đổi bất thường, trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, tiểu phế quản… Do vậy phụ huynh cần bổ sung nước cho trẻ đầy đủ; không cho trẻ đi hồ bơi vào thời điểm nắng nóng; không nên cho ra đường vào giữa trưa… Nắng nóng cũng làm thực phẩm dễ ôi thiu, các loại vi trùng, siêu vi trùng phát triển… Trẻ ăn trúng những thức ăn này dễ bị đau bụng, ói, tiêu chảy. Vì thế, phụ huynh chú ý cho trẻ ăn thức ăn đảm bảo vệ sinh, đặc biệt tránh thức ăn đường phố. Ngoài ra, đây là mùa phát triển của thủy đậu, sởi, tay chân miệng, tả, thương hàn… Người dân cần vệ sinh nhà cửa, môi trường, đặc biệt là giữ sạch bàn tay cho trẻ và người chăm sóc bằng cách rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh… Cùng ngày, ThS-BS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh BV 115, cho biết lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện có tăng nhẹ, khoảng 10%. Trước đây bệnh viện tiếp nhận 1000-1.100 bệnh nhân, hôm nay lên 1.200 bệnh nhân, chủ yếu là viêm đường hô hấp, huyết áp. Do thời tiết nóng bất thường, cơ thể người cao tuổi thay đổi nên họ đi khám sớm hơn so với lịch hẹn. “Mùa này, người già dễ say do nóng, rối loạn điện giải, ăn uống kém, các bệnh tim mạch có thể bùng phát, dễ suy tim. Do vậy người cao tuổi cần uống nhiều nước, tạo điều kiện tránh nóng, không nên ra đường vào giữa trưa trời nóng…” - BS Hải lưu ý. DUY TÍNH |