Theo đó, kết quả của kỳ thi trên được sử dụng như một phương thức tuyển sinh vào Trường ĐH Quốc gia TP.HCM. Thông tin trên được trường công bố tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra vào sáng 19-4.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, trường đã chủ động cải tiến phương thức tuyển sinh thông qua việc mở rộng đối tượng sinh viên tuyển thẳng, xét tuyển thẳng.
Từ năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đây là kết quả của Đề án xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐH Quốc gia TP.HCM được triển khai năm 2016.
Khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, bài thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Các năng lực này được đánh giá thông qua một bài thi tổng hợp gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút.
Mục tiêu đánh giá | Số câu | Nội dung |
Phần 1. Sử dụng ngôn ngữ | ||
1.1. Tiếng Việt | 20 | - Các câu hỏi, bài đọc đánh giá khả năng đọc hiểu, sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh. |
1.2. Tiếng Anh | 20 | |
Phần 2. Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu | ||
2.1. Toán học | 10 | - Các câu hỏi về toán phổ thông. - Các câu hỏi suy luận và xác định các quy luật logic. - Các câu hỏi về phân tích và chọn phương án trả lời tương ứng với từng bảng số liệu cho trước. |
2.2. Tư duy logic | 10 | |
2.3. Phân tích số liệu | 10 | |
Phần 3. Giải quyết vấn đề | ||
3.1. Vấn đề thuộc lĩnh vực hóa học | 10 | - Những câu hỏi, vấn đề về khoa học xã hội và tự nhiên. |
3.2. Vấn đề thuộc lĩnh vực vật lý | 10 | |
3.3. Vấn đề thuộc lĩnh vực sinh học | 10 | |
3.4. Vấn đề thuộc lĩnh vực địa lý | 10 | |
3.5. Vấn đề thuộc lĩnh vực lịch sử, chính trị, xã hội | 10 | |
Tổng cộng | 120 |
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực.
Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ liệu và các công thức cơ bản. Do đó sẽ đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của thí sinh chứ không đánh giá khả năng học thuộc.
Bài thi đánh giá năng lực được xây dựng với cùng cách tiếp cận như bài thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Đây đều là các bài thi chuẩn hóa nhằm xét tuyển đầu vào ĐH. Các bài thi hướng tới việc đánh giá năng lực học ĐH của thí sinh thông qua việc kiểm tra các kỹ năng liên quan đọc, hiểu, tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề, chứ không đơn thuần đánh giá về mặt nhớ kiến thức.
Xét về cấu trúc, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA.
Kết quả bài thi được xác định theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại. Tổng điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm.
Năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển sinh theo bốn phương thức với hơn 15.800 chỉ tiêu bậc ĐH chính quy vào bảy đơn vị thành viên. Cụ thể, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2018 của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT, xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.