Từ câu hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm về 'cái áo…'

(PLO)- “Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?” – Tổng Bí thư Tô Lâm.

“Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?” – Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt vấn đề như thế tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra vào hôm qua (15-1), và ngay lập tức điều này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo tầng lớp người dân.

Trong bài phát biểu được dư luận, trong đó có nhiều kinh tế gia, chuyên gia tư vấn, lãnh đạo doanh nghiệp và các trí thức, nhận định là rất “đau đáu”, “thẳng thắn” và “trực diện”, “đúng trọng tâm” ấy, Tổng Bí thư còn chỉ ra nhiều “số liệu được trích dẫn từ báo cáo” của các tư lệnh các ngành như xuất khẩu điện thoại di động thông minh, xuất khẩu linh kiện máy tính, xuất khẩu thiết bị máy tính, gia công phần mềm, thiết bị linh kiện điện tử… Tất cả đều đứng trong top 10, thậm chí có ngành trong top 3 trong số hàng trăm nền kinh tế của thế giới.

Thực tế, chỉ cần lên Google và tìm kiếm các nội dung liên quan ngành xuất khẩu của Việt Nam thì không ít báo cáo của các ngành, báo chí - truyền thông trong nước (thậm chí quốc tế) đều giật tít rất lạc quan, tươi sáng trong khi vẫn chưa mổ xẻ cấu trúc của những con số vốn rất phức tạp này. Nói như Tổng Bí thư thì: “Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài”.

Hay như các bài toán về sở hữu công nghệ lõi, phát triển các sáng chế có giá trị cao do chính người Việt nắm giữ vẫn rất nan giải, mà có lẽ nguyên nhân chính - như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra là do “năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam”.

Thực tế, nếu quan sát kỹ thì báo chí, ý kiến từ các chuyên gia tại một số diễn đàn, hội thảo, hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội đã ít nhiều đề cập vấn đề tỉ lệ đóng góp thực tế và lợi ích thực tế mà người Việt hưởng được trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ chuyện xuất khẩu dệt may, linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại, đến các ngành khác như nông sản, lâm sản… của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi thông tin kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam “hạng nhất”, “hạng nhì” thế giới được tìm thấy rất nhiều, các tư lệnh ngành mạnh dạn đưa vào báo cáo và đăng ký các chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước thì thực tế tiền về túi không còn bao nhiêu. Nào là tiền nhập khẩu linh kiện, mua công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài, đến các chi phí vận hành, logistics… Phần ít ỏi còn lại chia cho nguồn nhân lực giá rẻ, chủ yếu bán sức khỏe và thời gian để lắp ráp, gia công, cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp cùng với chi phí xử lý những thiệt hại về môi trường… Nói cách khác, các chỉ số trên các báo cáo dù mang lại “tiếng thơm”, dù là các con số rất đúng và rất đẹp nhưng đất nước, người dân chưa “có miếng”. Thế nhưng thực trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này vẫn kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên qua trong bối cảnh quán tính từ động lực của công cuộc đổi mới năm 1986 gần như đã dần cạn.

Vì lẽ ấy, nhiều người rất ấn tượng, tâm đắc với câu hỏi mà thực chất là lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm khi nói về các con số rất đẹp trong các báo cáo: “Đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không?”. Đó là lời hiệu triệu để tất cả tư lệnh ngành nhìn thẳng vào sự thật, giá trị của doanh nghiệp, con người, đất nước Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu vốn đặt năng lực cạnh tranh riêng biệt lên hàng đầu như yếu tố sống còn.

Phải mổ xẻ cấu trúc của các con số, cũng như thành tích đạt được để vạch ra những kế hoạch chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, định vị thế mạnh quốc gia. Đây có lẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để Việt Nam làm rõ vai trò, vị thế của mình, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới