Từ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Rộng đường cho kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Từ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Rộng đường cho kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

(PLO)- Các chuyên gia nhận định chuyến thăm và làm việc chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần hiện thực hóa những chủ trương, kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

Bình luận về chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc (TQ) từ ngày 24 đến 27-6 vừa qua, TS Nguyễn Tăng Nghị (Trưởng khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cũng như TS Huỳnh Tâm Sáng (giảng viên khoa Quan hệ quốc tế) đều cho rằng một điểm nhấn đáng chú ý từ chuyến thăm đó là hợp tác phát triển đường sắt song phương, bởi việc này sẽ tạo động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam (VN) và TQ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tăng cường giao thương trong thời gian tới.

Củng cố niềm tin, nhận thức song phương

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến TQ vừa qua?

+ TS Nguyễn Tăng Nghị: Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến TQ vừa qua góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa Đảng Cộng sản VN và Đảng Cộng sản TQ, đồng thời cũng kế thừa và khẳng định các chuyến thăm trước đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến TQ vào năm 2022 và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến VN vào cuối năm 2023.

Anh 1_Thu Tuong va ong Tap.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VGP

Năm ngoái, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm VN, hai nước đã ký kết 36 văn kiện hợp tác. Đó là cơ sở để chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cụ thể hóa các hợp tác đi vào thực tiễn, đặc biệt là hợp tác giữa các bộ, ngành của VN và TQ. Ngoài ra, chuyến thăm cũng làm rõ hơn nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng chia sẻ tương lai giữa hai bên. Quan trọng không kém, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông qua chuyến thăm cũng nhấn mạnh lại thông điệp VN duy trì chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa.

+ TS Huỳnh Tâm Sáng: Đầu tiên, chuyến thăm của Thủ tướng đến TQ giúp làm sâu sắc hơn nữa nhận thức của lãnh đạo hai nước về nhau. Cụ thể, VN coi TQ là đối tác có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình; trong khi đó, lãnh đạo TQ cũng xác định VN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Nhận thức chung giúp hai bên nhất quán trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên hơn để tăng cường tin cậy chính trị, vốn là khía cạnh rất cần thiết cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Trong chuyến công tác đến TQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên 2024). Hội nghị thu hút hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF. Thủ tướng cũng tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu TQ trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, điển hình là Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên, Tập đoàn Xây dựng điện lực TQ, Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt TQ, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn Thiên Doanh.

Ngoài ra, thông qua chuyến thăm, hai bên đã tìm kiếm các cơ hội hợp tác ở các lĩnh vực thiết thực, có quan hệ gắn bó với lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (mà trọng tâm là phát triển các tuyến đường sắt), thúc đẩy kinh tế xuyên biên giới và đẩy mạnh hợp tác thương mại nông sản. Khi VN đang được ca ngợi là đầu tàu kinh tế trong khu vực thì việc mở rộng các lĩnh vực hợp tác kinh tế với TQ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư, tạo điều kiện để VN tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nước phát triển với công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Không kém phần quan trọng là chuyến thăm giúp gửi gắm thông điệp nhất quán của VN về việc giải quyết các bất đồng trên bộ và trên biển thông qua con đường hợp tác với các biện pháp hòa bình. Quan điểm của VN và các trao đổi với lãnh đạo TQ có tính thời sự và rất cần thiết khi thế giới vẫn đang biến động với các mâu thuẫn, xung đột và chiến tranh có thể đe dọa sự hợp tác giữa các nước.

Nhiều dư địa hợp tác

. Ông nhận thấy quan hệ Việt - Trung còn những dư địa đáng chú ý nào?

+ TS Nguyễn Tăng Nghị: Trong các văn kiện mà VN và TQ đã ký vào năm 2023 phần nhiều đề cập đến hợp tác kinh tế vùng. Lần này, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm và hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao TQ (gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản TQ Vương Hộ Ninh, Thủ tướng Lý Cường, Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh), hai bên đã thống nhất một số vấn đề cụ thể mà tôi cho rằng có đủ niềm tin, đủ cơ sở và quyết tâm hợp tác.

Anh 2_Thu tuong tai WEF.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi tại tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của WEF. Ảnh: VGP

Đầu tiên là hợp tác vùng biên, chẳng hạn như hợp tác giữa tỉnh Vân Nam với một số tỉnh Tây Bắc của VN, hợp tác giữa tỉnh Quảng Tây với các tỉnh Đông Bắc của VN. Cạnh đó, hai bên đã thể hiện mong muốn nâng tầm và cụ thể các hợp tác về cao tốc, hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt. Hợp tác này có thể dựa trên nguồn vốn dồi dào và kỹ thuật, kinh nghiệm của TQ trong xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Việc tăng cường kết nối giao thông cũng phù hợp với chiến lược “Hai hành lang, một vành đai” mà hai nước đã nhất trí hồi năm 2008.

Từ sau khi công bố chiến lược “Hai hành lang, một vành đai”, hai nước đã có những thỏa thuận thúc đẩy chiến lược này. Tuy nhiên, từ sau sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình và đặc biệt là sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến VN vào năm ngoái, chiến lược này được hai bên nhắc đến ngày càng nhiều. Trong chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các nhà lãnh đạo hai bên cũng nhấn mạnh vấn đề này. Tôi tin rằng dựa trên cơ sở chiến lược “Hai hành lang, một vành đai” của hai nước và sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của TQ, hai nước sẽ có nhiều dư địa trong hợp tác phát triển ngành đường sắt.

Thứ ba là hợp tác phát triển các khu đô thị dọc biên giới. Đây là lĩnh vực hợp tác tiềm năng vì hiện nay TQ đã có kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị vệ tinh, còn VN thì có mong muốn phát triển kiểu đô thị này. Việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh dọc biên giới phù hợp với mục tiêu phát triển cân đối của VN, cũng như thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản, cũng là lĩnh vực mà hai nước có dư địa hợp tác rộng lớn. Trong hai năm trở lại đây, nông sản VN gặp nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang TQ. Năm 2023, TQ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của VN, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tôi tin chuyến thăm lần này của Thủ tướng với việc hiện thực hóa phát triển hạ tầng giao thông, đô thị ven biên giới sẽ mở đường rộng hơn cho hàng hóa VN nói chung, trong đó có các đặc sản của VN như thanh long, sầu riêng, xoài, măng cụt, vải, mít… sang TQ.

+ TS Huỳnh Tâm Sáng: Ngoài dư địa về hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, hai nước còn có tiềm năng hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm khi TQ và VN sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm rất lớn, lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai thế giới. Đây là lĩnh vực có thể giúp VN phát triển các ngành công nghệ bán dẫn, linh kiện điện tử… qua đó thúc đẩy quốc gia phát triển về khoa học - công nghệ. VN cũng có thể tham khảo kinh nghiệm khai thác và hợp tác quốc tế của TQ về đất hiếm, thậm chí là cùng hợp tác với các đối tác từ các quốc gia khác.

Lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số cũng có thể mang đến sức sống mới cho hợp tác giữa hai nước khi TQ là quốc gia có nhiều sáng kiến và thành tựu trong lĩnh vực này. Trong khi đó, VN xác định chuyển đổi số mang tính chiến lược với ý nghĩa “toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm”. Kinh nghiệm từ TQ có thể mang lại nhiều gợi ý về chính sách để VN giảm bớt thời gian tự tìm tòi, nghiên cứu, qua đó áp dụng linh hoạt căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước.

Tăng cường củng cố niềm tin song phương

. Phải khẳng định rằng quan hệ VN - TQ đang trong giai đoạn rất nồng ấm nhưng cũng có những vấn đề mà hai bên cần giải quyết, trong đó có vấn đề Biển Đông. Những giải pháp nào là cần thiết để hai bên có thể sớm giải quyết thỏa đáng và hiệu quả những khúc mắc như vậy?

+ TS Nguyễn Tăng Nghị: Khúc mắc trong quan hệ quốc tế là chuyện thường gặp. Trong quan hệ VN - TQ, tôi nghĩ khúc mắc không nhiều so với hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi, đặc biệt khi chúng ta nhìn vào tình hình chính trị có nhiều biến động đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới.

Quan sát Biển Đông trong 10 năm qua, có thể thấy về cơ bản hai nước đã kiểm soát khá tốt tình hình, tránh được các nguy cơ khủng hoảng. Cả hai bên đã cho thấy sự cầu thị, cố gắng tổ chức các chuyến thăm cấp cao để hóa giải kịp thời các vấn đề còn tồn tại. Các chuyến thăm như vậy chính là nền tảng để hai bên hướng tới kiểm soát và giải quyết bất đồng. Đặc biệt, hai nước cần tăng cường đối thoại để thống nhất các cách hiểu, giải thích, áp dụng luật pháp quốc tế để đảm bảo yếu tố “thượng tôn pháp luật” trong giải quyết những bất đồng.

Ngoài ra, để hóa giải khúc mắc, hai nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế. Tôi tin rằng hợp tác kinh tế chính là chìa khóa để xóa bỏ, làm xói mòn các bất đồng, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và tình cảm giữa hai bên. Bước đầu tiên trong tăng cường hợp tác kinh tế chính là tăng cường kết nối hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh TQ tăng cường chính sách ngoại giao hướng nam, việc kết nối hạ tầng giao thông với VN sẽ đem lại lợi ích cho TQ trong mục tiêu tăng cường kết nối với khu vực Đông Nam Á. Về phía VN, việc gia tăng kết nối giao thông với TQ cũng giúp kết nối với khu vực Trung Á và xa hơn nữa là châu Âu.

Bên cạnh đó, hai nước cũng cần tăng cường hợp tác về giáo dục. Phía TQ đã cung cấp rất nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên VN. VN cũng cam kết hỗ trợ sinh viên TQ theo học tại VN. Việc tăng cường hợp tác về giáo dục - văn hóa như vậy sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn.

+ TS Huỳnh Tâm Sáng: Điều quan trọng để giải quyết các khúc mắc, bất đồng không chỉ ở các kênh đối thoại để xây dựng và củng cố lòng tin. Quan trọng là hai nước phải có quyết tâm “thể chế hóa” các nội dung đã thống nhất thông qua các văn bản, kèm theo những điều khoản rõ ràng và cụ thể về nội dung, phạm vi, thời gian và biện pháp thực hiện.

Hai bên cũng cần có các nhóm chuyên trách, bao gồm các chuyên gia và các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, để giải quyết các sự cố hay các vấn đề phát sinh. Ban chuyên trách cần gặp gỡ và trao đổi thường xuyên, cũng như nên cởi mở để có thể dung nạp các ý kiến trái chiều. Song song đó, ban chuyên trách cần trao đổi các bài học và kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trong việc giải quyết các vụ việc có nội dung tương tự, thậm chí là tham khảo các chuyên gia nước ngoài.

. Xin cảm ơn các chuyên gia.

Chuyên gia Trung Quốc: Còn nhiều dư địa cho hợp tác Việt - Trung

GS Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội TQ, nhận định việc tăng cường hợp tác giữa TQ và VN là một lựa chọn đôi bên cùng có lợi, theo tờ People’s Daily.

GS Hứa Lợi Bình còn nhấn mạnh rằng các chuyến thăm cấp cao giữa TQ và VN đã diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây, đóng vai trò là nền tảng, kim chỉ nam dẫn đường cho quan hệ song phương. Những chuyến thăm cấp cao này đã củng cố hơn nữa tình cảm giữa hai nước, từ đó tăng cường sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau giữa TQ và VN.

Theo GS Hứa Lợi Bình, hợp tác ở cấp địa phương sẽ là một trong những dư địa có tiềm năng tăng trưởng tốt giữa hai nước. Lý do là vì hai quốc gia (vốn được kết nối bằng cả đường bộ và đường biển) đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng về thương mại biên giới trong những năm gần đây và đang nỗ lực tăng cường kết nối thông qua hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Cố Tiểu Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN thuộc ĐH Nhiệt đới Hải Nam (TQ), nhận định rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước láng giềng thân thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng như đường sắt và đường cao tốc. Ông Cố Tiểu Tùng lưu ý rằng tăng cường hợp tác giữa hai nước là rất quan trọng để ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp khu vực.

Ông Cát Hồng Lượng, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu ASEAN tại ĐH Dân tộc Quảng Tây, nói rằng các ngành công nghiệp mới nổi, bao gồm năng lượng mới, là những dư địa có tiềm năng lớn để tăng cường hợp tác song phương.

DƯƠNG KHANG

Đọc thêm