Luật Căn cước đã được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7. Một trong những nội dung quan trọng và được người dân quan tâm trong luật này là việc đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) thành thẻ căn cước.
Nhiều người dân bày tỏ sự quan ngại về việc vừa đổi CCCD gắn chip nay lại phải đổi sang thẻ căn cước.
Thế nhưng, người dân không cần quá lo lắng vì tại Điều 46 Luật Căn cước cũng đã nêu rõ, thẻ căn CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (trước ngày 1-7) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.
Chứng minh nhân dân (CMND) còn hạn sử dụng đến sau ngày 31-12-2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng.
Đồng thời, thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Căn cước, kể từ ngày 1-7, sẽ có một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước. Cụ thể:
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Thẻ CCCD gắn chip hết hạn sau ngày 1-7 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ) thì phải đổi sang thẻ căn cước.
Luật Căn cước quy định các loại CMND sẽ có giá trị đến hết ngày 31-12-2024. Sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.
Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau:
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại luật Căn cước so với luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước.
Công dân đã có thẻ CCCD gắn chip nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước.
Công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính…