Từ vụ bún, bánh canh nhiễm Tinopal: Ai có quyền khảo sát và công bố?

Ngày 25-7, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức cuộc họp liên quan đến thông tin về bún, bánh canh, bánh phở… nhiễm chất làm trắng huỳnh quang (tinopal). Tại cuộc họp, Sở Công Thương cho rằng Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng (gọi tắt là trung tâm) lấy mẫu khảo sát và công bố kết quả khảo sát không đúng quy định.

Cuộc họp này không có mặt trung tâm. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã đến tiếp xúc với trung tâm.

Không nêu đích danh siêu thị

Vấn đề đầu tiên là trung tâm có công bố đích danh các cơ sở lấy mẫu khảo sát bún, bánh canh, bánh phở… hay không?

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc trung tâm, khẳng định trong báo cáo gửi cho báo chí không ghi cụ thể tên siêu thị, tên chợ hay tên cửa hàng lấy mẫu nào hết.

Từ vụ bún, bánh canh nhiễm Tinopal: Ai có quyền khảo sát và công bố? ảnh 1

Cần nhiều cuộc khảo sát để người tiêu dùng an tâm sử dụng thực phẩm sạch. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chúng tôi ghi nhận trong báo cáo kết quả khảo sát chất tinopal gửi báo chí chỉ ghi chung chung: “Mẫu mua ngẫu nhiên tại chín cơ sở bán thực phẩm (bốn siêu thị, bốn chợ trung tâm thành phố và một cửa hàng)”… “Địa điểm kinh doanh: các siêu thị, chợ ở trung tâm thành phố và cửa hàng kinh doanh thực phẩm”.

Như vậy đúng như ông Chính nói, tên siêu thị, tên chợ… hoàn toàn không thể hiện trong báo cáo gửi cho báo chí.

Chúng tôi hỏi: “Có một tờ báo đăng tên các siêu thị có mẫu bún được lấy khảo sát. Phải có người cung cấp thì báo nọ mới biết chứ?”.

Ông Chính đáp: “Có thể bằng nghiệp vụ tờ báo nọ biết được trung tâm đã lấy mẫu bún ở siêu thị nào, chợ nào rồi đăng. Trung tâm không can dự vào chuyện này. Riêng đối với Sở Y tế và Sở Công Thương TP.HCM, trong báo cáo chi tiết, trung tâm có ghi rõ tên siêu thị, tên chợ, tên cửa hàng có lấy mẫu nhằm giúp hai sở này có định hướng khi tiến hành kiểm tra và thực hiện những công việc tiếp theo”.

Trung tâm có quyền công bố

Vấn đề kế tiếp: Trung tâm có chức năng lấy mẫu thực phẩm để khảo sát và công bố hay không?

Ông Đỗ Ngọc Chính cho rằng trung tâm là một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó việc trung tâm khảo sát và công bố kết quả khảo sát bún, bánh canh, bánh phở… chứa tinopal là không sai.

Ông dẫn chiếu điểm d, khoản 1, Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng hoạt động sau: … Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Tại sao trung tâm không báo kết quả khảo sát cho cơ quan chức năng rồi sau đó công bố cho báo chí?”.

Ông Chính cho biết: “Luật không quy định báo cáo trước, sau cho ai cả. Tuy nhiên, trung tâm luôn cộng tác tốt với cơ quan chức năng nên đã gửi báo cáo chi tiết kết quả khảo sát bún, bánh canh, bánh phở… cho Sở Công Thương và Sở Y tế TP.HCM”.

Mẫu khảo sát, không phải mẫu kiểm tra

Cuối cùng, ông Đỗ Ngọc Chính cho biết trung tâm lấy mẫu bún, bánh canh, bánh phở… chỉ nhằm mục đích khảo sát chứ không lấy mẫu để phục vụ thanh tra, kiểm tra.

Thông tư 14/2011/TT-BYT (ngày 1-4-2011) của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm quy định:

Người lấy mẫu là thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra. Được đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm. Phải trực tiếp lấy mẫu tại cơ sở hoặc theo chỉ định của đoàn thanh tra. Phải tiến hành lập biên bản lấy mẫu, biên bản bàn giao mẫu và dán tem niêm phong mẫu...

Quá trình lấy mẫu phải được giám sát và ghi chép đầy đủ. Tất cả dấu hiệu không đồng nhất, hư hỏng của sản phẩm và bao bì bảo quản đều phải ghi chép...

Ông Chính nhấn mạnh vì đây là mẫu khảo sát nên trung tâm không buộc phải áp dụng thông tư nêu trên và không công bố đích danh các đơn vị kinh doanh bún có chứa chất tinopal.

Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cho rằng cần phân biệt rõ mẫu khảo sát và mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra. Mẫu khảo sát chỉ mang tính tham khảo chứ không có tính pháp lý làm cơ sở xử lý sai phạm. Từ kết quả khảo sát này, cơ quan quản lý nhà nước có thể dựa vào đó để thẩm định lại chất lượng thực phẩm đã được khảo sát, kịp thời cảnh báo người tiêu dùng.

Do là mẫu khảo sát nên cách lấy mẫu tùy theo mục đích của người khảo sát, không bắt buộc áp dụng thông tư 14/2011/TT-BYT. Còn mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra là mẫu có tính pháp lý, làm cơ sở xử lý sai phạm, buộc phải thực hiện đúng thông tư nói trên.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), cho biết thêm mẫu khảo sát có giá trị tầm soát, gợi ý để cơ quan quản lý nhà nước hoạch định hoạt động tiếp theo. Còn muốn có kết luận xử lý sai phạm thì phải dựa vào mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm