Mới đây, Pháp Luật TP. HCM có bài viết: “Sở TT&TT TP.HCM: 'Đang phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xử lý vụ Nam Em livestream'”, “Hoa Khôi Nam Em bất ngờ xin lỗi, cộng đồng mạng 'ào' vào chỉ trích” nêu thông tin những ngày qua, mạng xã hội (MXH) xôn xao khi Nam Em cùng Quế Vân, bạn trai của Nam Em có các cuộc livestream "bóc phốt" showbiz nói chung và một số nghệ sĩ nói riêng.
Thông tin trên nhận được nhiều sự quan tâm từ bạn đọc.
Phát ngôn trên mạng cần có chuẩn mực
Những ngày qua, mỗi lượt livestream của Nam Em diễn ra đều đặn, thu hút lượng lớn người xem, thậm chí có ngày hơn 50.000 lượt xem kèm hàng nghìn bình luận trên nền tảng MXH TikTok.
Đến tối 21-2, trên một livestream, Hoa khôi Nam Em tiếp tục chia sẻ: “Đợi 1-3 rồi tính tiếp, chứ giờ tạm thời thua đi. Ngày xưa ông bà đánh trận cũng có những lúc đình chiến, có những lúc phất cờ…tạm thời thua nhưng tương lai sắp tới thì chưa biết…nếu tao làm cái gì sai thì bế tao đi luôn hộ cái…”. Chia sẻ này của Nam Em tiếp tục khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Bạn đọc Trân Châu Phô Mai bình luận: “Trời ơi, sau bao nhiêu sự cố Nam Em mới lấy lại được thiện cảm của mọi người qua chương trình The Heroes vậy mà giờ đây cô làm mọi người thất vọng quá”.
Bạn đọc Pudding viết: "Mỗi khi mình cảm thấy không ổn, mình thường nghe bài Bồng bềnh do chị Nam Em hát bởi chị đã cho mình một cảm nhận kẻ tổn thương lại đem tiếng hát chữa lành của mình để sưởi ấm tâm hồn người khác. Nhưng rồi chị ngày càng lún sâu vào quá khứ và không thể thoát ra được và ngày càng đi xa con người Nam Em mộc mạc ngày xưa".
"Dân gian có câu: Ăn bậy, chứ không được nói bậy! Nghệ sĩ cũng là con người mà, họ tốt xấu thì họ tự chịu trách nhiệm, tự chịu với pháp luật. Nếu Nam Em nói mà không chứng cứ, nói bừa nói bậy thì bài học còn nóng hổi từ những vụ việc náo loạn ngôn từ trên MXH của những trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt. Còn trong giới showbiz khán giả cần chọn lọc đâu là nghệ sĩ tốt nghệ sĩ xấu, nhiều người trong showbiz vì tiền mà quảng cáo những sản phẩm kém chất lượng trên MXH để bán cho fan, cơ quan chức năng cũng nên kiểm soát vấn đề này" - bạn đọc Trần Trần viết.
“Theo tôi thấy Nam Em nói đúng một phần nào!. Nhưng có những cái không nên nói. Trong showbiz thì ai cũng biết có những góc khuất. Theo tôi, nói như thế nào vừa đủ để không đụng chạm đến quyền cá nhân và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người khác là được. Từ vụ Nam Em, cơ quan chức năng cần có những biện pháp cảnh cáo trước phát ngôn ồn ào phản cảm của những nghệ sĩ, KOL để làm sạch không gian mạng. Phát ngôn của người nổi tiếng nên đại diện cho cái đẹp cái chuẩn mực của xã hội" – bạn đọc Minh Showbiz bình luận.
Gây "ồn ào" trên mạng xử phạt như thế nào?
Trao đổi với PV, Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trường hợp tài khoản TikTok cá nhân livestream cung cấp thông tin sai sự thật, nhằm mục đích vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với chế tài xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020, điểm a khoản 1 Điều 101 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022, người nào có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bắt buộc phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nếu trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự là người đó có hành vi lợi dụng MXH nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo đó, trong trường hợp người đó dù biết rõ những thông tin này là sai sự thật nhưng vẫn bịa đặt hoặc loan truyền nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó, cá nhân vi phạm có thể đối diện với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Theo Luật sư Liên, trong các buổi livestream, dù các tài khoản cá nhân này không chỉ đích danh mà dùng những từ ngữ gợi đến một số nhân vật trong showbiz như "ngọc nữ", "áo bông", "tê giác"...với nội dung bêu rếu, bôi nhọ, đả kích khiến người xem suy đoán nghĩ ngay đến nhân vật đang nhắc đến thì cũng đủ xét thành tội vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác .
Trong trường hợp các nhân bị cho là bôi nhọ, xúc phạm có thể yêu cầu cơ quan thừa phát lại lập vi bằng, gửi đơn khởi kiện hoặc đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để yêu cầu xử lý.
Tự do ngôn luận là điều cần thiết, nhưng phải tuân thủ theo quy định pháp luật
Trong thời đại 4.0 quyền tự do ngôn luận là điều cần thiết, tuy nhiên phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Việc các thông tin chưa được kiểm chứng nhắm đến một nghệ sĩ nào đó có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến gia đình, sự nghiệp, tinh thần, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của họ. Ngoài ra những phát ngôn bôi nhọ, không được kiểm chứng còn ảnh hưởng đến uy tín của giới nghệ sĩ nói chung, làm giảm niềm tin của công chúng, gây ảnh hưởng đến những nghệ sĩ chân chính.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM