Thời gian qua, nhiều ô tô, xe tải từ nơi khác bỗng dưng đến khu nhà tôi đỗ. Nhiều xe đỗ gần cả tháng vẫn chưa chịu đi. Sợ ảnh hưởng đến an ninh khu vực nên mọi người trong khu cùng nhau tiến hành đặt biển cấm dừng, đỗ xe trước hẻm, trước cửa nhà.
Xin hỏi việc tự ý đặt biển báo hiệu giao thông có vi phạm pháp luật không?
Bạn đọc Thanh Vân (TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 37 Luật Giao thông đường bộ quy định việc lắp báo hiệu đường bộ là một trong những nội dung của tổ chức giao thông.
Theo đó, việc tổ chức giao thông sẽ được bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Điều này có nghĩa chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quy định lắp biển báo hiệu giao thông cấm dừng, đỗ xe trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của họ.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quy định lắp biển báo hiệu giao thông cấm dừng, đỗ xe trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của họ. Ảnh: Huỳnh Thơ
Các biển cấm dừng, đỗ xe do người dân tự ý đặt sẽ không có giá trị pháp lý. Đồng thời, người tham gia giao thông không cần phải tuân thủ biển báo hiệu này.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật hiện nay, hành vi người dân tự quyết định đặt biển cấm dừng, đỗ xe chưa được quy định và chưa có cơ chế xử phạt cụ thể. Do đó người dân sẽ không vi phạm pháp luật và cũng không bị xử phạt nếu tự ý lắp biển báo hiệu giao thông.
Tuy nhiên, việc tự ý lắp biển báo hiệu có thể sẽ mang đến một số hệ lụy, như việc trở thành vật cản trên đường, làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Nếu không may người tham gia giao thông va vào biển báo này xảy ra tai nạn thì người lắp biển báo phải chịu trách nhiệm.
Từ đây cũng cho thấy việc nghiên cứu, thiết lập cơ chế xử phạt đối với những trường hợp tự ý lắp đặt biển báo hiệu giao thông là cần thiết. Nó sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông và duy trì trật tự, an toàn giao thông, cảnh quan đô thị.