Sáng 7-9, thông tin từ BV Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết Khoa Hồi sức tích cực của BV vừa tiếp nhận bệnh nhân ngậm nhầm thuốc diệt chuột.
Bệnh nhân là cụ ông 91 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện sau khi ăn khoảng 20 viên thuốc diệt chuột loại Dethmor (warfarin) do tưởng nhầm là kẹo.
Theo BS Nguyễn Thị Nga, khoa Hồi sức tích cực, BV Trung ương Quân đội 108, warfarin là chất chống đông máu sử dụng khá phổ biến trong y học. Warfarin điều trị nghẽn mạch do huyết khối ở người mang van tim nhân tạo, rung nhĩ mạn tính, nghẽn mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
“Bệnh nhân được người nhà phát hiện và đưa đến viện sớm. Tại đây bệnh nhân được các bác sĩ rửa dạ dày và dùng chất giải độc đặc hiệu. Sau năm ngày, bệnh nhân được ra viện và hồi phục hoàn toàn, không có biến chứng” - BS Nga nói.
Theo BS Nga, việc sử dụng rộng rãi loại thuốc diệt chuột này cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người khi quản lý sử dụng không đúng cách, hoặc uống nhầm.
Độc tính chủ yếu của warfarin là gây xuất huyết khi sử dụng quá liều hoặc phơi nhiễm với super warfarin có trong thuốc diệt chuột. Thông thường 1-2 ngày đầu, bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Tình trạng xuất huyết sẽ xảy ra sau 2-3 ngày, ở các mức độ khác nhau: Chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, tụ máu trong cơ…
Các triệu chứng khác có thể gặp như: ý thức lơ mơ, đau đầu, rối loạn điều hòa vận động, đau bụng, buồn nôn. Nặng hơn có thể gặp tiêu cơ vân, suy hô hấp, co giật, hôn mê. Xét nghiệm có rối loạn đông máu giảm PT % và chỉ số INR kéo dài. Điều trị có hiệu quả với các trường hợp được đưa đến cơ sở y tế sớm trong 6 giờ đầu với các biện pháp ngăn ngừa hấp thu như rửa dạ dày, dùng than hoạt và sử dụng chất giải độc đặc hiệu (vitamin K). Nếu bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán muộn khi xảy ra các biến chứng chảy máu nội tạng: phổi, tiêu hóa, tiết niệu, ổ bụng, thần kinh trung ương thì tiên lượng xấu hơn rất nhiều.
BS Nga cũng khuyến cáo, hiện nay trên thị trường có bán nhiều loại thuốc diệt chuột chứa warfarin được sản xuất dưới hình thức bắt mắt, hương vị hấp dẫn, dễ gây nhầm lẫn là đồ ăn đặc biệt là người già và trẻ em. Vì vậy, cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách giáo dục ý thức sử dụng và bảo quản thuốc diệt chuột an toàn hợp lý.
Cạnh đó, khi phát hiện người uống nhầm thuốc diệt chuột, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Mang theo thuốc hoặc vỏ, nhãn mác loại thuốc đã sử dụng để được xử trí cấp cứu kịp thời.