Tướng Phan Anh Minh: Ba giải pháp chống bức cung, nhục hình

Ngày 27-3, đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo các ngành công an, VKS, kiểm lâm, cảnh sát biển Vùng 3, bộ đội biên phòng, hải quan… của TP.HCM về việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự.

Tại buổi làm việc này, nội dung chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an chuyên trách đã được nhiều người quan tâm.

Ba trường hợp có thể bức cung, dùng nhục hình

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên đoàn giám sát) cho rằng báo cáo của ba ngành tố tụng TP.HCM (công an, VKS, tòa án) cho thấy không có tình trạng bức cung, dùng nhục hình là điều rất đáng mừng. Ở một đô thị lớn và phức tạp như TP.HCM thì đây là một thành tích lớn, cần rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các tỉnh, thành khác. Bởi lẽ thời gian qua hiện tượng này đã thành một hiện tượng nhức nhối trong dư luận. Người dân rất mong muốn cơ quan tố tụng phải thực sự công tâm, trong khi việc bức cung, dùng nhục hình ở giai đoạn tiền khởi tố có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án, chưa kể có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc khác là xâm phạm sức khỏe, tính mạng nghi can.

Cũng đánh giá cao báo cáo của ba ngành tố tụng TP.HCM nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền vẫn đưa ra yêu cầu: “Ngành công an TP vẫn phải cho ý kiến bằng cách nào để giám sát việc bức cung, dùng nhục hình, cần chỉ mặt đặt tên các hình thức mà điều tra viên có thể sử dụng”.

 
Có thể điều tra viên bị sức ép về thời gian ra kết quả điều tra nên phải áp dụng các “biện pháp”bức cung, nhục hình. Trong ảnh: Năm bị cáo nguyên là công an đang bị TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) xét xử về tội dùng nhục hình đánh chết anh Ngô Thanh Kiều. Ảnh: TẤN LỘC

Trả lời yêu cầu trên, Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an TP.HCM) cho biết có ba trường hợp có thể dẫn đến bức cung, dùng nhục hình:

Thứ nhất, điều tra viên có đủ bằng chứng thấy rõ đối tượng phạm tội nhưng để làm rõ các yếu tố như đồng phạm (trong tội phạm có tổ chức) hoặc vấn đề tài sản nên điều tra viên áp dụng.

Thứ hai, trong quá trình điều tra và lấy lời khai, bản thân điều tra viên bị nghi can khiêu khích, thách thức, vì không kiềm chế được nên điều tra viên đã đánh cho bõ tức chứ không nhằm mục đích gì, kể cả việc ép nhận tội.

Thứ ba, phổ biến nhất đó chính là điều tra viên bị sức ép về thời gian ra kết quả điều tra. Việc này thường xảy ra ở giai đoạn chưa khởi tố bị can, còn nếu VKS đã phê chuẩn rồi thì không có tình trạng này.

Ba giải pháp

Cũng theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, có ba giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này:

Thứ nhất, trong công tác tuyển chọn điều tra viên phải để ý đến yếu tố nhân thân và khí chất cán bộ. Ví dụ, nếu tuổi thơ của điều tra viên thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực thì họ có thể có xu hướng dùng vũ lực không cần thiết với bị can trong quá trình điều tra.

Thứ hai, phải có các biện pháp chế ước lẫn nhau, chẳng hạn vai trò giám sát điều tra, thậm chí ngay cả khi tạm giữ. Quy định của nhà tạm giam, tạm giữ rất nghiêm ngặt nên nếu cán bộ trại làm đúng nhiệm vụ thì điều tra viên không cách nào có thể dùng nhục hình tại nơi này được. Cạnh đó, vai trò giám sát của VKS cũng rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn điều tra.

Thứ ba là từ con mắt của người thủ trưởng cơ quan điều tra trong việc nhìn người để phân loại án. Không thể giao cho điều tra viên có khí chất, tính tình không ổn định điều tra một vụ án phức tạp, xương xẩu vì khi sắp vi phạm thời gian điều tra dễ dẫn đến việc họ bị ức chế.

Ông Phạm Văn Gòn (Viện trưởng VKSND TP.HCM) thì cho rằng vai trò giám sát điều tra của VKS rất quan trọng để tránh việc bức cung, dùng nhục hình. Ở TP.HCM, ngành kiểm sát đã có kế hoạch giám sát chặt chẽ theo lịch chi tiết đến hằng tuần và sử dụng hình thức nhật ký kiểm sát viên. Mọi trường hợp bị can chối tội hay có khiếu nại về việc điều tra viên bức cung, dùng nhục hình thì kiểm sát viên đều trực tiếp hỏi cung hoặc phúc cung để làm rõ. Ngoài ra, phía VKS còn giám sát chặt chẽ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ để thực thi đúng pháp luật.

THANH TÙNG

 

KSV giám sát từ giai đoạn tiền khởi tố?

Tại buổi làm việc, một thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp nói nhiều ý kiến đề xuất cần có kiểm sát viên giám sát ngay từ giai đoạn tiền khởi tố vụ án, bị can. Cụ thể là ngay từ khi công an tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm thì kiểm sát viên đã kiểm tra, giám sát việc xử lý thông tin để tránh bỏ lọt tội phạm, tránh chuyện ép cung, bức cung.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết hiện nay VKS có thẩm quyền nhưng sẽ không đủ nhân sự để thực hiện vì ở TP.HCM, hằng năm thông tin tố giác tội phạm luôn cao hơn ba lần số lượng vụ án khởi tố. Theo ông Minh, muốn kiểm sát ngay từ đầu thì không còn cách nào khác là phải tăng thêm người cho ngành kiểm sát, chẳng hạn điều tra viên có 100 người thì kiểm sát viên cũng phải 50 người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm