Xử tội giết người xem còn ai dám dùng nhục hình?

Từ những phân tích trên, để hạn chế tình trạng bức cung, dùng nhục hình, theo tôi cần có những giải pháp như sau:

Thứ nhất, xuất phát từ tâm lý của các cán bộ thừa hành nhiệm vụ cho rằng họ đại diện cho công quyền nên họ có quyền ra lệnh và áp đặt ý chí, người bị tình nghi phạm tội không hợp tác thì họ có quyền sử dụng các biện pháp buộc người bị tình nghi phải phục tùng và trong nhiều trường hợp các cán bộ thừa hành nhiệm vụ tự cho mình có quyền đánh người khác, vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục cán bộ của mình nhận thức vấn đề bức cung, dùng nhục hình là bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo pháp luật.

 Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều với những tấm hình ghi lại thân thể bầm dập của anh Kiều khi bị công an đánh đập tới chết. Ảnh: TL

Thứ hai, tăng cường biện pháp giám sát của nhân dân (nhất là người thân của người bị tình nghi) trong công tác lấy lời khai người bị tình nghi bằng cách cho sửa chữa lắp kính các phòng lấy lời khai trong trụ sở các cơ quan điều tra sao cho người bên ngoài (người thân thích của người bị tình nghi) có thể nhìn thấy hoạt động của việc lấy lời khai và tạo điều kiện cho những người này thực hiện quyền giám sát.

Thứ ba, khi người bị tình nghi (có thể bị tạm giữ), bị can, bị cáo tố giác hành vi bức cung, dùng nhục hình thì Viện kiểm sát phải xem (vốn dĩ nó như thế) đó là tố giác về tội phạm, vì vậy phải thụ lý, giải quyết theo quy định của Điều 103 Bộ luật TTHS. Nếu bị cáo tố giác tại phiên tòa đồng nghĩa xuất hiện tình tiết làm thay đổi bản chất của án, có sự vi phạm trong điều tra, khi đó phải hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Song song với quá trình điều tra làm rõ có hành vi bức cung, dùng nhục hình, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành thay đổi Điều tra viên theo quy định.

Bên cạnh những giải pháp thực tiễn, về pháp luật cũng cần có những sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, thực trạng xử lý các vụ án bức cung, dùng nhục hình không nghiêm minh và toàn diện đối với những người có liên quan là vì pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn mang tính chất "mở" nên nhiều lúc các cơ quan khác nhau thường có cách lập luận và hiểu khác nhau. Do đó liên ngành tư pháp trung ương cần xây dựng Thông tư quy định rõ khi để xảy ra tình trạng bức cung, dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng như: gây điều tra, truy tố, xét xử oan sai, gây chết người thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng được phân công phải chịu trách nhiệm hình sự; Cá nhân có hành vi dùng nhục hình mà gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội (Tội dùng nhục hình và Cố ý gây thương tích hoặc giết người); Quá trình xử lý, nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cố tình chỉ xử lý về một tội (dùng nhục hình) hoặc không không lý toàn diện những cá nhân phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội"; Việc bức cung, dùng nhục hình xảy ra trong Nhà tạm giữ, trại tạm giam khi kiểm sát công tác giam giữ, Kiểm sát viên không báo cáo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm của mình.

Cá nhân có hành vi dùng nhục hình mà gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội (Tội dùng nhục hình và Cố ý gây thương tích hoặc giết người).
Trong ảnh: Năm công an Phú Yên đánh nghi can đến chết nhưng chỉ bị xử về tội dùng nhục hình với mức án cao nhất 5 năm tù gây phẫn nộ dư luận

Thứ hai, bổ sung vào Bộ luật TTHS quy định người thân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam có quyền nhờ Người bào chữa cho những người này. Khi đó mới đảm bảo quyền nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện nhanh chóng và đầy đủ.

Thứ ba, đối với người bị tình nghi nhưng không bị tạm giữ hiện nay chưa được Bộ luật TTHS thừa nhận là người tham gia tố tụng, vì vậy thực tiễn rất lúng túng không biết phải công nhận họ có những quyền và nghĩa vụ gì. Đã đến lúc Bộ luật TTHS cần quy định họ có những quyền và nghĩa vụ như người bị tạm giữ. Bởi vì xét cho cùng thì người bị tình nghi và bị cơ quan điều triệu tập làm việc thi họ bị "rơi vào" tình trạng pháp lý không khác gì người bị tạm giữ, có khác chỉ là người thì bị tước quyền tự do đi lại, còn người kia thì không. Chỉ khi thừa nhận rõ ràng tư cách tố tụng của người bị tình nghi như tế thì họ mới có điều kiện về mặt pháp lý chống lại sự buộc tội vô cớ của cơ quan chức năng.

Những giải pháp trên cũng chưa thể hạn chế tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong các nhà tạm giữ, trại tại giam. Phía sau cổng nhà tù là một "thế giới khác", kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giam giữ, luật sư và nhân dân không thể nào giám sát hết được. Thực trạng bức cung, dùng nhục hình trong các cơ sở giam giữ chỉ có thể hạn chế một cách tối đa khi có sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô.

Hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam hiện do Bộ công an quản lý nên việc điều tra viên ra vào tùy thích là điều không tránh khỏi, khi có người phạm tội không khai báo bị dùng nhục hình nhưng không hề để lại dấu vết thì cho dù có huy động bao nhiêu người tiến hành điều tra đi nữa cũng không thể nào phát hiện được hành vi sai trái đó. Chỉ có một cách tốt nhất là giao hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam cho Bộ Tư pháp quản lý. Lúc đó chúng ta đã tạo được một cơ chế có cơ quan giám sát 24/24 quá trình hỏi cung của cơ quan điều tra.

Khi thực hiện được một cách đồng bộ các giải pháp đó, tôi tin rằng tình trạng bức cung, dùng nhục hình sẽ được hạn chế và triệt tiêu, quyền con người trong TTHS mới được bảo vệ.

VÕ VĂN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm