Bức cung, nhục hình theo tôi không chỉ xảy ra ở giai đoạn tiền khởi tố bị can mà còn có thể xảy ra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Cần phải khẳng định rằng bức cung, nhục hình là những hành vi bị cấm trong hoạt động điều tra vụ án hình sự. Khoản 4 Điều 131 BLTTHS đã quy định rõ: “Điều tra viên (ĐTV) hoặc kiểm sát viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 299 hoặc Điều 298 BLHS”. Vì vậy không thể đồng tình với ý kiến cho rằng đây là biện pháp nghiệp vụ cần thiết của ĐTV trong hoạt động điều tra tội phạm đối với các đối tượng ngoan cố hoặc khiêu khích nên khó có thể “cấm” dùng mà chỉ có thể “hạn chế” dùng (!).
Bức xúc, nôn nóng, lạm quyền
Vậy thì vì sao lại có hiện tượng bức cung, nhục hình xảy ra? Theo tôi có các nguyên nhân sau: Tâm lý bức xúc, nôn nóng của ĐTV trước sự thúc ép về thời hạn kết thúc điều tra vụ án để tính thành tích. Sự bực bội dẫn đến giận dữ của ĐTV khi gặp các đối tượng ngoan cố mà theo quan niệm của ĐTV đã có các bằng chứng kết tội, chỉ cần lời khai nhận tội của bị can là kết thúc hồ sơ điều tra. Trình độ nghiệp vụ điều tra non kém, không thông thạo các nghiệp vụ điều tra như hỏi cung, các biện pháp đấu tranh với đối tượng phạm tội. Thiếu các phương tiện, biện pháp giám sát cuộc điều tra như ghi âm, ghi hình, sự quản lý, theo dõi của cán bộ quản lý trại tạm giam, tạm giữ; sự tham gia ngay từ đầu và sự có mặt của luật sư trong các buổi hỏi cung… khiến ĐTV có thể tự mình thực hiện bức cung, nhục hình mà không bị phát hiện. Và cuối cùng là đạo đức của ĐTV trong quan hệ giữa một người có quyền với một đối tượng bị chế ước bởi quyền lực.
Lấy lời khai tại cơ quan công an. Ảnh chỉ mang tính minh họa: CT
Bức cung, nhục hình là có thật và đang là tiếng chuông cảnh báo trong hoạt động điều tra vụ án hình sự. Những vụ bức cung, nhục hình đã bị xử lý chỉ là những vụ đã gây hậu quả, không thể lẩn tránh được mà đành phải xử lý thôi. Còn trong thực tế có bao nhiêu vụ bức cung, nhục hình đã xảy ra và được bị cáo khai trước tòa để phản cung nhưng tòa không công nhận vì họ đã không chứng minh được.
Oan, sai cũng có thật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai là do nghi can bị bức cung, nhục hình, buộc phải nhận tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được thể hiện đúng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Các ĐTV, kiểm sát viên và cả thẩm phán còn mang nặng tâm lý và nhận thức theo hướng suy đoán có tội trong nhiều trường hợp thiếu các chứng cứ khác, đã đặt nặng nguồn chứng cứ là các lời khai nhận tội của bị can để kết tội họ. Đây là một hiện trạng cần phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo để mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.
Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội
Các giải pháp để khắc phục hiện tượng bức cung, nhục hình nằm ở ngay các nguyên nhân sản sinh ra nó.
Theo tôi, đó là phải giáo dục cho các ĐTV hiểu biết sâu sắc về nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động điều tra; không nên giao chỉ tiêu và thành tích cho họ phải chứng minh bằng được tội phạm trong thời hạn điều tra để thúc ép họ. Chăm lo đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra cho các ĐTV, kiên quyết không phân công những ĐTV yếu kém về nghiệp vụ để điều tra các vụ án phức tạp trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ… Giáo dục đạo đức, thái độ người ĐTV trong quan hệ với người bị tình nghi phạm tội, bị can.
Bên cạnh đó, phải trang bị cho nhà tạm giữ, trại tạm giam… các phương tiện ghi hình, ghi âm và giao cho ban giám thị, cán bộ quản giáo quản lý, sử dụng các phương tiện này, lưu trong hồ sơ tạm giữ, tạm giam để làm bằng chứng khi có khiếu nại của bị can, bị cáo, phải có luật sư tham gia ngay từ đầu và nhất là có mặt luật sư trong các buổi hỏi cung. Đồng thời phải quy định trách nhiệm cho cán bộ nhà tạm giữ, trại tạm giam khi có hiện tượng bức cung, nhục hình xảy ra trong thời gian tạm giữ, tạm giam đối tượng.
TS-LS NGUYỄN MINH TÂM (Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Nâng cao vai trò, vị trí của luật sư Một giải pháp quan trọng nữa là cần sửa đổi BLTTHS theo hướng nâng cao vị trí, vai trò của luật sư, tạo điều kiện để luật sư tham gia đầy đủ trong giai đoạn trước và trong điều tra vụ án. Hiện nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Ban soạn thảo BLTTHS sửa đổi giao cho việc soạn thảo Chương VII về “Bào chữa và Đại diện” mà những nội dung của chương này đã thể hiện khá đầy đủ tinh thần của yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao vị thế của người bào chữa trong tố tụng hình sự, đặc biệt là trong giai đoạn tố tụng điều tra. Có thể nói nếu Chương VII BLTTHS sửa đổi do Liên đoàn Luật sư Việt Nam soạn thảo được Quốc hội thông qua thì chắc chắn rằng thực trạng bức cung, nhục hình sẽ khó có đất tồn tại. |