Tuyên ngôn Lý Công Uẩn

“Tuyên ngôn” hay “tuyên bố” trong thuật ngữ pháp lý đều có chung một nghĩa. Đó là văn bản của người đại diện nhà nước long trọng khẳng định cho mọi người biết về sự kiện trọng đại của đất nước.

Lý Công Uẩn - vị vua sáng lập triều Lý đã để lại cho lịch sử một bản tuyên ngôn xây dựng cuộc sống thái bình thịnh trị cho nhân dân. Ngay khi được triều thần tôn lên ngôi hoàng đế, vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (tháng 11-1009), lúc còn ở Hoa Lư, công việc đầu tiên của nhà vua khi chấp chính là tuyên bố cho thần dân trăm họ biết rằng: Ai có việc oan ức khiếu kiện mà các địa phương không giải quyết thỏa đáng thì cho về triều tâu bày để nhà vua đích thân giải quyết. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua xuống chiếu từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, vua thân xét quyết” (bản dịch của Viện Sử học, 1993, trang 239).

Nhà vua đã ban chiếu chỉ như tuyên bố với toàn dân hai điều cam kết: Một là việc bất bình, khiếu kiện của nhân dân phải được giải quyết thỏa đáng; hai là vua là người chịu trách nhiệm bảo đảm làm tốt việc đó đối với dân.

Sau khi dời đô về chỗ mới, vua bắt tay ngay vào việc xây dựng Thăng Long để triều đình có chỗ làm việc đàng hoàng. Song thái tử thì vua lập một cung riêng ở ngoại thành cho ở. Đời sau nhiều người không hiểu tại sao vua lại làm vậy. Thái tử là cành vàng lá ngọc sắp kế vị ngôi vua, ở ngoài thành sao tiện! Nhưng ý vua thì đã rõ: Trước khi lên làm vua thái tử phải biết mọi việc của dân. Mà muốn biết việc của dân thì phải ở chung với dân. Nếu chưa lên làm vua mà ngại sống chung với dân, hay sống chung mà lỡ bị dân giết chết thì âu đó cũng là mệnh trời.

Đến đời vua Lý Thái Tông, kế thừa sâu sắc quan điểm trị nước của cha, nhà vua đã giao cho thái tử trực tiếp xử kiện rồi tâu lên, đó là dịp tập cho người sắp nắm vận mệnh đất nước làm thử công việc giải quyết bất bình của dân. Làm tốt việc này mới làm vua được vững bền. Cũng từ quan điểm này, vua Lý Thái Tông ra lệnh triều đình soạn bộ Hình thư - bộ luật đầu tiên của nước ta với quan điểm pháp lý sâu sắc là muốn giải quyết khiếu kiện của dân ổn thỏa thì phải có pháp luật minh bạch, rõ ràng và chính sử đã ghi là làm luật sao cho “người xem dễ hiểu” và “dân lấy làm tiện” (Sđd, trang 263).

Qua lời tuyên bố đó, vua Lý đã khẳng định: Dân có quyền và nhà nước - người đứng đầu nhà nước có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm giải quyết thỏa đáng yêu cầu phục vụ quyền ấy của dân.

Còn việc nữa, nhà nước Lý hết lòng tạo điều kiện cho dân đấu tranh bảo vệ lẽ phải bằng cách đúc chuông lớn đặt sẵn ở điện triều để dân mỗi lần đem vụ kiện đến trình bày với vua thì cứ đánh chuông mà khiếu (Sđd, trang 269). Tiếng chuông ở triều đình vang lên thì không có quan lại nào dám ngăn chặn hay ém nhẹm, bởi thời nào hiện tượng tiêu cực cũng có, cụ thể là “việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng…” (Sđd, trang 263).

Tuyên ngôn Lý Công Uẩn thể hiện qua Chiếu tháng 11-1009 là bản tuyên ngôn về công lý và sự công bằng. Dù cách xử sự thời đó như có vẻ đơn giản, chất phác nhưng về thực chất thì rất chất lượng. Nó truyền đi khắp dân gian để suốt cả ngàn năm người đời vẫn truyền tụng:

“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,

Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng thèm ăn.”

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm