Tuyển sinh đầu cấp ở TP.HCM: Siết trái tuyến bằng CNTT

(PLO)-  Từ ngày 1-7, TP.HCM sẽ đồng loạt thực hiện kế hoạch tuyển sinh đầu cấp cho khối mầm non năm tuổi, lớp 1 và lớp 6.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức họp triển khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Một trong những điểm mới đáng chú ý năm nay là TP.HCM sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho phụ huynh cũng như đảm bảo phân tuyến đúng đối tượng.

Đồng loạt tuyển sinh từ tháng 7

Theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp của UBND TP.HCM, năm học 2022-2023, TP.HCM sẽ đồng loạt thực hiện kế hoạch tuyển sinh đầu cấp cho khối mầm non năm tuổi, lớp 1 và lớp 6 từ ngày 1-7.

Trong đó, đối với cấp học mầm non, TP huy động 100% trẻ năm tuổi đang cư trú trên địa bàn TP.HCM vào trường mầm non, đồng thời có kế hoạch đảm bảo chỗ học cho trẻ dưới năm tuổi, nhà trẻ. Kết quả tuyển sinh đồng loạt công bố vào ngày 20-7.

Đối với cấp học mầm non, TP huy động 100% trẻ năm tuổi đang cư trú trên địa bàn TP.HCM vào trường mầm non, đồng thời có kế hoạch đảm bảo chỗ học cho trẻ dưới năm tuổi. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đối với cấp học mầm non, TP huy động 100% trẻ năm tuổi đang cư trú trên địa bàn TP.HCM vào trường mầm non, đồng thời có kế hoạch đảm bảo chỗ học cho trẻ dưới năm tuổi. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đối với lớp 1, năm học này TP.HCM sẽ đảm bảo 100% học sinh (HS) lớp 1 được học hai buổi/ngày để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện sĩ số lớp theo Điều lệ trường tiểu học là 35 HS/lớp.

Với lớp 1 tăng cường ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Trung), hằng năm hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét, đưa ra khỏi loại hình này các HS không theo kịp chương trình và tổ chức khảo sát tuyển bổ sung nhưng không được vượt quá sĩ số quy định.

Với lớp 1 chương trình dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp, UBND TP yêu cầu phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sĩ số không quá 35 em/lớp.

Đối với lớp 6, UBND TP yêu cầu đảm bảo HS trong độ tuổi quy định đang cư trú trên địa bàn nào được vào học lớp 6 ở các loại hình trường trên địa bàn đó. Sĩ số lớp học không quá 45 em/lớp. Thời gian công tác tuyển sinh dự kiến bắt đầu từ ngày 1-7 và công bố kết quả đồng loạt vào ngày 1-8.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, các cơ sở giáo dục không được nhận trẻ lớp 1 và lớp 6 sớm tuổi, không nhận trẻ trái tuyến ngoài địa bàn nếu chưa nhận đủ số lượng HS đúng tuyến. Trường hợp nhận HS trái tuyến phải do Ban chỉ đạo tuyển sinh TP Thủ Đức và 21 quận, huyện xét duyệt.

Tuy nhiên, để làm được điều này, hằng năm công tác rà soát, huy động số trẻ đúng tuổi trên địa bàn TP được đến trường theo đúng phân tuyến vô cùng khó khăn, nhất là khi lượng dân nhập cư ở TP biến động liên tục mỗi năm.

Hai trường THCS tuyển sinh
lớp 6 riêng

Năm học 2022-2023, TP.HCM tiếp tục tuyển sinh lớp 6 tại Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định với các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, võ thuật, cầu lông, bơi lội.

Điều kiện xét tuyển là HS đoạt giải thể dục thể thao cấp quận, huyện, TP; Hội khỏe Phù Đổng. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển tại trường dự kiến từ ngày 1 đến 30-6.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng sẽ thực hiện tuyển sinh lớp 6 theo hình thức kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực. Nếu không trúng tuyển, HS được xét tuyển vào lớp 6 thường tại quận, huyện.

Thời gian kiểm tra, thông tin tuyển sinh cụ thể sẽ do Sở GD&ĐT TP ban hành trong những ngày tới.

Tại quận Gò Vấp, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết những năm trước quận thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo quy trình thủ công bốn bước, từ công tác thu thập thông tin của trẻ đến làm thủ tục nhập học. Cách làm này rất cực cho các nhân sự làm tuyển sinh, dễ sai sót hoặc sót lọt trẻ, phụ huynh tốn nhiều công sức và thời gian đi lại để thực hiện thủ tục…

Do đó từ hai năm nay, quận Gò Vấp đã thực hiện chuyển đổi tuyển sinh đầu cấp từ hình thức trực tiếp sang phần mềm trực tuyến theo quy trình năm bước. Phụ huynh được trực tiếp đăng ký và chịu trách nhiệm về thông tin tuyển sinh của trẻ trên trang tuyển sinh của quận, thay vì phải đăng ký thông qua UBND phường nơi trẻ cư trú.

Việc này đã giúp quá trình kiểm tra, đối chiếu, xử lý dữ liệu tuyển sinh nhanh và chính xác, giảm đáng kể thời gian, công sức cho cả cán bộ tuyển sinh lẫn phụ huynh.

Tương tự, tại huyện Bình Chánh, một trong những địa bàn luôn “nóng” tuyển sinh đầu cấp vì dân cư đông, hộ dân tạm trú hoặc không đăng ký tạm trú và di dân liên tục. Từ năm học 2021-2022, huyện đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đối với lớp 1 và lớp 6. Trong đó, phần mềm phân quyền cho các trường tiểu học và Phòng GD&ĐT cập nhật trực tiếp danh sách HS. Phụ huynh chỉ cần nhận mã hồ sơ HS để kiểm tra và đăng ký nhập học.

Nhờ vậy, số lượng hồ sơ ảo đã giảm đáng kể và quản lý chặt hơn việc HS chuyển trường khi hết cấp học.

Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết năm nay sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh ở các bậc học. Sở cũng đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT xây dựng đề án chuyển đổi số trong tuyển sinh các lớp đầu cấp để tham mưu UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cấp kinh phí triển khai.

Theo ông Nam, việc này sẽ tạo thuận lợi cho phụ huynh HS trong việc đăng ký các trường theo đúng phân tuyến. Riêng với lớp 10, đây là năm đầu tiên sở triển khai cho HS, phụ huynh đăng ký ba nguyện vọng vào lớp 10 thường bằng hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp.

Trong đó, sở sẽ ứng dụng công nghệ bản đồ số GIS trong phần mềm đăng ký trực tuyến để kiểm soát việc chọn trường của HS cho phù hợp với địa chỉ nơi cư trú của các em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm