Tuyệt kỹ công phu của ninja cuối cùng còn sống

Ninja thực thụ cuối cùng có tên Jinichi Kawakami, một kỹ sư nay đã 68 tuổi tại Nhật Bản và là chưởng môn đời thứ 21 của phái ninja Ban.

Tưởng được khổ luyện để trở thành… tên trộm

 “Người ta gọi tôi là ninja cuối cùng của Nhật vì có lẽ không còn ai được huấn luyện bài bản tất cả kỹ năng, chiến thuật của ninja từ các ninja bậc thầy. Và những ninja thực thụ đã không còn tồn tại ở Nhật Bản nữa” - Kawakami cho biết trên AFP.

Kawakami đã bắt đầu học thuật ninjutsu từ năm lên sáu tuổi. Người truyền cho ông các kỹ thuật ninja là sư thầy Masazo Ishida nổi tiếng nghiêm khắc. “Tôi đã tưởng đó là những trò chơi và không nghĩ mình đang được học ninjutsu” - ông nói. “Tôi thậm chí đã tưởng rằng sư phụ đang huấn luyện tôi trở thành một tên trộm. Ông dạy tôi cách để di chuyển mà không gây tiếng động cũng như cách để đột nhập vào nhà người khác”.

Ngoài ra, Kawakami còn được học cách chế tạo chất gây nổ và thuốc độc. “Tôi có thể chế thuốc độc từ các loại thảo mộc. Chúng tuy không thể giết người nhưng có thể khiến nạn nhân tin rằng họ đang mắc bệnh truyền nhiễm” - ông nói.

Để luyện tập khả năng tập trung, Kawakami bị ép ngồi hàng giờ liền nhìn chằm chằm vào ngọn lửa cho đến khi ông cảm thấy “bản thân đang ở bên trong ngọn lửa”, ông kể lại cho các PV của AFP. Ông bị buộc phải luyện nghe tiếng kim rơi trên sàn gỗ cách cả căn phòng để tăng độ thính. Những kỹ năng võ thuật như treo tường, nhảy cao, chịu đựng sức nóng và cái lạnh kinh người, hay tác chiến không cần ăn uống trong nhiều ngày… ông đều phải luyện tập từ bé.

Kawakami hiện là ninja thực thụ cuối cùng của Nhật Bản. Ông quyết định không nhận đồ đệ vì ninja không còn hợp với thời đại. Ảnh: AFP

Tuyệt kỹ phi tiêu

“Luyện tập vô cùng gian khổ và đau đớn. Chẳng có gì là vui thú cả. Nhưng khi đó tôi không nghĩ ngợi quá nhiều đến lý do vì sao mình phải làm những điều đó. Luyện tập đã trở thành một phần cuộc sống của tôi” - ông Kawakami chia sẻ. Đến năm 19 tuổi, ông được kế thừa chức chưởng môn từ sư phụ Ishida, cùng với đó là những cuộn tài liệu mật và các bảo vật cổ của môn phái.

Ông Kawakami khẳng định sức mạnh của thuật ninja không phải là sức mạnh cơ bắp mà chính là yếu tố bất ngờ cùng khả năng khai thác những điểm yếu mà kẻ địch không kịp trở tay. Không phải những bí kíp hay những bảo vật được kế thừa, chính khả năng ẩn náu ở những nơi mà đối phương không bao giờ ngờ được mới là vũ khí tối thượng của một ninja.

Ninja thật ra cũng không phải những kẻ giết người máu lạnh như thường nhìn thấy trên màn ảnh Hollywood. Thay vào đó, các ninja thực thụ xem trọng việc thu thập thông tin tình báo hơn là đánh đấm. Việc ra tay với kẻ thù chỉ được xem là biện pháp cuối cùng. Việc sử dụng trí thông minh và óc quan sát luôn được các ninja xem trọng hơn dùng đao kiếm để tiêu diệt kẻ địch. Dẫu vậy, các ninja vẫn được đào tạo sử dụng thuần thục các vũ khí như phi tiêu ngôi sao hay ống phóng tiêu độc. Bản thân Kawakami cũng được đào tạo cách dùng phi tiêu để ám sát mục tiêu từ hơn 20 bước.

Quyết định không nhận học trò

“Ninja cuối cùng” Kawakami giờ đây làm việc tại Bảo tàng ninja Iga-ryu, cách Tokyo khoảng 350 km về phía Tây Nam. Ông cũng đã nhận thêm công việc nghiên cứu về lịch sử của ninja Nhật Bản tại ĐH Mie. Trong bài phỏng vấn với hãng tin AFP năm 2012, Kawakami nói đã quyết định không nhận học trò để truyền lại di sản ninja của môn phái. Nếu đến cuối đời Kawakami vẫn không đổi ý, ông sẽ trở thành ninja cuối cùng của phái Ban và cũng đặt dấu chấm hết cho một huyền thoại võ thuật lẫy lừng của Nhật Bản. “Nghề ninja đã không còn hợp với thời đại nữa. Chúng tôi không được phép dùng đến chất độc hay ra tay giết người. Kể cả khi chúng tôi chế được chất độc đúng theo chỉ dẫn, chúng tôi cũng không bao giờ được dùng đến chúng” - Kawakami chia sẻ.

Du khách khát khao được diện kiến

Sự cô độc của Kawakami phản ánh thực trạng đang khiến các chuyên gia võ thuật của Nhật quan ngại: Thuật ninja rồi sẽ hoàn toàn biến mất khỏi Nhật Bản. Các võ sư của bộ môn nghệ thuật ninjutsu cổ đại này cho biết vấn đề nằm ở tình trạng thiếu hụt lớn các nhân tài.

Hiện nay ngành du lịch của Nhật Bản đang trên đà phát triển, kéo theo đó là nhu cầu cho việc được chiêm ngưỡng một trong những biểu tượng chiến binh nổi tiếng của “đất nước mặt trời mọc”. Đó chính là các ninja. Ngày càng có nhiều du khách đổ xô đi xem các “ninja show” - vốn là những buổi biểu diễn các kỹ năng của ninja Nhật. Tuy nhiên, các đội võ thuật hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tìm ra ứng cử viên đủ khả năng và thiên hướng để truyền dạy kỹ năng.

Takatsugu Aoki, người quản lý của một trong những đội võ thuật thuộc TP Nagoya, chia sẻ với tờ Asahi rằng: “Với lượng du khách nước ngoài đến thăm Nhật Bản ngày càng tăng như hiện nay, giá trị của các ninja cũng ngày một tăng theo. Tuy nhiên, giờ đây có quá nhiều những lựa chọn việc làm trong khi các buổi trình diễn của ninja ngày một trở nên phổ biến. Tôi cho rằng chúng ta đang đối mặt với sự thiếu hụt ninja nghiêm trọng”.

Takatsugu cho biết thêm rằng có những người dù có niềm yêu thích và xung phong theo đuổi môn học này nhưng họ lại thường thiếu đi những kỹ năng cơ bản. Những kỹ năng đó có thể kể đến khả năng chiến đấu không vũ trang, nhào lộn, giấu mình, sơ cứu, ném phi tiêu và chiến đấu bằng kiếm. Thuật tàng hình và khả năng đi trên mặt nước dù đã được đề cập nhiều trong dân gian nhưng không phải là một yêu cầu để trở thành ninja.

Quá khứ ninja lẫy lừng

Trong suốt hàng thế kỷ qua, ninja nổi tiếng với hình tượng là những chiến binh đáng sợ. Tuy nhiên, trong thời kỳ hoàng kim của mình, các ninja ở thời phong kiến Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến khả năng gián điệp.

Với các ninja Nhật, niềm tự hào của họ nằm ở kỹ năng làm gián điệp và khả năng chịu đựng phi thường. Bạo lực là điều cuối cùng họ sử dụng trong những tình huống nguy cấp. Mặc dù vậy, các ninja Nhật sở hữu kỹ năng sử dụng vũ khí rất thuần thục, chẳng hạn như shuriken - được phương Tây biết đến với hình ảnh của những phi tiêu hình sao, hay fukiya - ống thổi phi tiêu có tẩm độc.

Nhìn lại quá khứ, các ninja Nhật lần đầu xuất hiện dưới dạng lính đánh thuê vào thế kỷ 15, trong thời kỳ Chiến quốc ở Nhật và được thuê làm điệp viên, kẻ đột kích, sát thủ hoặc thậm chí là những kẻ khủng bố. Về sau, do chán ghét một xã hội dựa trên một hệ thống phân cấp nghiêm ngặt với tầng lớp samurai ưu tú đứng đầu của thời bấy giờ, các ninja nhanh chóng lập ra các hội phường riêng với các quy tắc và cấp bậc riêng của họ. Các hội phường này phân ra các loại ninja khác nhau hay còn gọi là shinobi. Mỗi ninja được giao nhiệm vụ cụ thể và họ thường tự kiểm soát lãnh thổ riêng của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới