Sáu năm làm việc trong môi trường làm game chuyên nghiệp tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài khá lớn đặt tại Việt Nam đã giúp chàng trai sinh năm 1986 này có vị trí được xem như ổn định nhưng không giữ chân được khát khao được tự lập rất lớn của cậu.
Nghỉ việc để được làm điều mình thích
Nguyên nhân nghe qua cũng hơi… buồn cười. Giang Anh vốn thích tự do, thoải mái trong công việc nên khi ở trong một môi trường có nguyên tắc làm việc cao, mọi dự án đều phải qua rất nhiều khâu, nhiều bước xét duyệt, giải trình… cho nên từ ý tưởng cho đến khi thực hiện được cũng là cả một khoảng thời gian dài khiến cậu cảm thấy gò bó. Có được một nhóm bạn làm chung và có cùng ý tưởng, thời điểm ba năm trước cũng là lúc thị trường game di động bùng nổ cho phép một nhóm nhỏ cũng có thể làm game được càng khiến Giang Anh tự tin hơn với quyết định “ra riêng” để được tự do làm điều mình thích. Cả nhóm phải mất gần một năm chuẩn bị, thai nghén để đi đến thành lập Joy Entertainment vào tháng 3-2013 với định hướng: Làm ra những game có chất lượng cao, đòi hỏi thời gian thực hiện lâu dài chứ không phải loại game đơn giản, “mì ăn liền” kiếm tiền trước mắt. Một định hướng mà nhiều người sẽ cho rằng quá tham vọng và dại dột đối với một nhóm nhỏ mới bắt đầu.
Sáu thành viên ban đầu của công ty, người góp vài chục triệu, người trên 100 triệu đồng, số tiền này sau khi mua máy tính, thiết bị, thuê văn phòng… xem như đã gần hết, cho dù trước đó nhóm đã sẵn sàng tinh thần làm việc không lương lâu dài thì sau sáu tháng, Giang Anh đã phải đi đến nước cờ là vay tiền của… mẹ. Dù không có sẵn tiền nhưng do hết sức tin tưởng và ủng hộ con nên mẹ cậu đã quyết định cầm miếng đất duy nhất ở quê để lấy 700 triệu đồng đưa cho con. Người ta thường nói một trong những điều nguy hiểm nhất với những người khởi nghiệp là dùng tiền của gia đình, Giang Anh thì khác, cậu biết đây là số tiền rất khó khăn, mồ hôi nước mắt của gia đình chứ không phải dễ dàng gì có được nên hết sức cân nhắc khi sử dụng.
Vừa đi vừa mò mẫm
Game đầu tay được Joy chọn làm là game bắn súng Chiến binh CS. Để tránh không trở thành game bạo lực, trò chơi được làm theo hướng thể thao điện tử. Lúc này thị trường tràn ngập các game PRG, rất ít làm game bắn súng trên thiết bị di động. Việc lao vào mảng đề tài chưa nhiều người làm là một sự mạo hiểm rất lớn nhưng cũng ẩn chứa cơ hội thành công. Đôi khi khởi nghiệp cũng cần sự mạo hiểm và may mắn cho Joy là game đầu tay đã đạt kết quả tốt. Chỉ trong hai tháng Chiến binh CS đã có đến 300.000 người chơi. Đây là kết quả không hề tệ với một game di động, nhất là một game đầu tay.
Tuy số người chơi rất đông nhưng doanh thu lại không được tốt. Vốn dĩ cả nhóm đều là dân chuyên làm game, hóa ra chưa ai từng có kinh nghiệm vận hành game để có thể hiểu và nắm được thật tường tận tâm lý khách hàng nên đã kém ở phần thiết kế khiến người chơi không muốn bỏ tiền ra và tính năng để giữ chân khách hàng cũng chưa tốt. Quả là bài học đáng giá cho nhóm, đó là phải học hỏi kinh nghiệm từ thị trường game Trung Quốc và Hàn Quốc vốn đã đi trước ở thể loại này. Nhờ rút kinh nghiệm kịp thời mà game sau đó - Captain Strike đã leo lên được vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng game hot trên Touch Arcade ngay sau ngày đầu ra mắt và doanh thu tăng vọt.
Chúng tôi cảm nhận rất rõ sự tiếc nuối của Giang Anh khi chia sẻ sai lầm đáng tiếc nhất về mặt nhân sự, khi mời gọi một thành viên tham gia sáng lập trong khi bạn này tính cách vốn không phù hợp với cách làm việc startup “cày như trâu”. Giang Anh vẫn rủ theo vì đây là bạn thân từ lúc còn đi học bởi cậu tin rằng bạn sẽ thay đổi để phù hợp với môi trường mới. Chẳng ai ngờ kết quả lại không như ý, sự xung đột với các thành viên khác ngày càng cao khiến cuối cùng người bạn phải chia tay, cả Joy lẫn người bạn đều thiệt lớn mà giữa cả hai lại còn mất đi tình bạn vốn có đã lâu năm.
Lấy tiền người chơi nước ngoài
Quãng thời gian gia công làm game cho nước ngoài trước đây cũng ít nhiều giúp Joy định hướng sản phẩm ngay từ đầu là phải được thiết kế để đưa ra thị trường nước ngoài nhằm tận dụng khách hàng và đỡ lãng phí nguồn lực. “Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu khá kỹ, tôi nhận thấy thị hiếu chơi game ở khu vực Đông Nam Á cũng khá tương đồng với Việt Nam nên đây là điểm khởi đầu tốt cho Joy. Chúng tôi mạnh dạn làm hẳn nhiều phiên bản game tiếng địa phương thay vì mỗi bản tiếng Anh, trong đó bản tiếng Thái được game thủ chơi rất đông” - Giang Anh kể lại đầy phấn khích.
Tiếp tục mang chuông đi… “bán” xứ người, Giang Anh mạnh dạn đưa game Captain Strike tham gia hội chợ Chinajoy (hội chợ game lớn nhất Trung Quốc). Nhiều khách hàng chơi thử và ngạc nhiên Việt Nam cũng làm những game này sao. Một số nhà phát hành xin bản demo về chơi thử khiến cả nhóm tràn đầy hy vọng. Saltfish - một nhà phát hành mà người đứng đầu cũng khởi nghiệp sau khi tách ra từ một công ty game lớn giống Giang Anh - đã đồng ý mua và phát hành game tại Trung Quốc.
“Cho đến nay, trong tổng số sáu triệu người chơi của Joy thì có đến 75% là người nước ngoài, người chơi Việt cũng chỉ đóng góp 1/4 doanh thu của game. Nếu không tìm được cách “lấy tiền” của người chơi nước ngoài, Joy khó có cơ hội tồn tại và phát triển trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Đưa yếu tố Việt Nam vào game
Phải đến cuối năm nay, game We are Heroes mới đưa những yếu tố Việt Nam vào game, như nhân vật Thánh Gióng (bản nước ngoài mang tên Giong Saint theo từ điển Wiki). Đây là điều khá muộn vì nhóm đã có dụng ý làm game cho cả khu vực Đông Nam Á nên chỉ đưa yếu tố Việt Nam từng bước vì việc lan tỏa văn hóa Việt đến ngay với người chơi nước ngoài nhiều không phải dễ dàng. Ở châu Á cũng chỉ có văn hóa kiếm hiệp của Trung Quốc hay Samurai, Ninja… của Nhật là quen thuộc với người chơi game. Theo nhóm thực hiện, việc đưa văn hóa Việt Nam vào game thông qua những nhân vật thần thoại, lịch sử được thể hiện dưới hình thức đồ họa đẹp, nhân vật mạnh mẽ, có giá trị cao sẽ khiến người chơi nước ngoài thích thú, từ đó họ sẽ dần tìm hiểu về nhân vật đó.
Mắc khá nhiều sai lầm khi khởi nghiệp nhưng Joy từ sáu thành viên giờ đã lên 43 người là do từ đầu đã tập hợp và xây dựng được một đội ngũ các bạn trẻ giỏi, nhiệt huyết và cực kỳ yêu thích công việc của mình. Nhờ vậy những sai lầm không đem lại hậu quả quá lớn và mọi người vẫn tự tin để cùng nhau đi tiếp. Cho dù thành công về mặt tài chính chưa phải lớn nhưng thành công về thương hiệu ngay từ những bước đi chập chững khiến đội ngũ của Joy được tiếp thêm sự tự tin để tiếp tục sáng tạo ra những trò chơi mới.
Học khởi nghiệp ở vùng đất hứa Đó là tựa cuốn sách của nhà báo Trần Nguyên về khởi nghiệp vừa được NXB Trẻ xuất bản. Trần Nguyên cũng chính là tác giả của bài Khởi nghiệp bằng... nắng - bài đầu tiên trong loạt bài Khởi nghiệp trẻ mà bạn đọc đang theo dõi trên Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật. Nói về quyển sách của mình, tác giả khiêm tốn: “Quyển sách nhỏ này chỉ chép lại những điều tôi đã nghe, đã thấy, đã cảm nhận trong chuyến đi Israel, xin dành tặng cho những người đang bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhưng với một giấc mơ đủ lớn”. Tuy nhiên, trong lời giới thiệu, bà Eilon Shahar Meirav - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam đã đánh giá rất cao về cuốn sách: “Tôi thực sự đánh giá cao vai trò của anh Nguyên cũng như những đóng góp của nhà báo này trong suốt hành trình thú vị đã được chuyển tải trong tập sách. Tập sách mà Nguyên viết là những ghi nhận, trải nghiệm để đưa người đọc tiếp cận những kinh nghiệm, bài học thành công cũng như thất bại của cộng đồng khởi nghiệp Israel. Tôi tin rằng đây sẽ là một nguồn cảm hứng để mỗi doanh nhân trẻ Việt Nam cảm thấy mình sẽ phải tham gia vào thế giới khởi nghiệp rộng lớn này”. HMH |