Sáng 25-9, TAND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ Huỳnh Thị Kim Phượng bị truy tố tội vô ý làm chết người, để VKS xác định bị cáo có phạm tội giết người hay không. Đây là vụ án đau lòng bởi nạn nhân chính là con gái ruột mới hai tuổi của bị cáo Phượng.
Bé có hai người cha
Theo hồ sơ, Phượng và ông Nguyễn Trang kết hôn vào năm 2000 và có hai con chung một trai, một gái. Trong thời gian buôn bán vải tại chợ Tân Bình (TP.HCM), Phượng ngoại tình với người đàn ông bán vải tại sạp kế bên và sinh được một bé gái. Do nghi ngờ nên đầu năm 2016, ông Trang âm thầm đưa bé gái đến bệnh viện xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy ông không phải là cha bé.
Đêm 9-2-2016, ông Trang kêu vợ vào phòng hỏi sự việc nhưng Phượng né tránh nên ông đánh vào mặt Phượng rồi đóng cửa phòng lại không cho ra ngoài. Nửa đêm, ông Trang mở cửa phòng cho Phượng xuống tầng trệt ngủ với con nhỏ. Sáng hôm sau, khi ông Trang vào phòng thì phát hiện bé bị tím tái, ngưng thở, còn Phượng thì chảy máu ở cổ tay trái.
Kết luận giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM ghi nhận: “Cơ và sụn vùng cổ bị chèn ép tương tự hình ảnh tổn thương thắt - siết cổ. Phù phổi cấp. Tình trạng rối loạn vi tuần hoàn”, “Vùng cổ: Trên vi thể có hình ảnh xuất huyết trong cơ vùng cổ và xuất huyết rải rác trong mô cơ dưới sụn. Xương móng, sụn giáp và sụn khí quản không tổn thương. Niêm mạc ở sụn giáp và sụn khí quản sung huyết nặng. Các đốt sống cổ không tổn thương”.
Phượng bị khởi tố về tội giết người, đầu năm 2017, CQĐT thay đổi tội danh thành vô ý làm chết người và VKSND TP.HCM đồng ý truy tố tội danh này.
Bị cáo nghe tòa đọc quyết định trả hồ sơ. Ảnh: PL
Ngày 21-4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm nhưng trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định ý thức chủ quan của Phượng khi phạm tội, xem bị cáo có phạm một tội khác có khung hình phạt cao hơn hay không. Theo HĐXX, lời khai của Phượng mâu thuẫn với những người chứng kiến sự việc liên quan đến thời điểm bé chết. Thái độ khi phát hiện con chết, Phượng đã không bất ngờ, không hốt hoảng... Điều này thể hiện Phượng đã biết trước hậu quả xảy ra và chấp nhận hậu quả do hành vi của mình gây ra. Đây là dấu hiệu để xác định không phải Phượng phạm tội với lỗi vô ý.
Tòa án đã xác định người cha thực sự của bé là người giám hộ và được triệu tập với tư cách đại diện cho nạn nhân nhưng ông này đã từ chối vì sợ ảnh hưởng đến gia đình riêng. Trước phiên tòa cả người cha ruột và ông Trang (cha trên giấy khai sinh) của bé đều làm đơn bãi nại cho bị cáo.
Cần xem lại tội danh
Tại phiên tòa, Phượng khai đã vô ý để vòng tay chẹn ngang cổ, không hay biết đã làm con chết, đến khoảng 7 giờ sáng mới biết nên đã cắt tay tự tử...
Ông Trang thì khẳng định bé đã chết từ đêm, trước khi ông phát hiện.
Vị chủ tọa nói: “Khi con nằm trên tay, lẽ bình thường từng hơi thở của con người mẹ đều cảm nhận được, sao bị cáo lại cho rằng đến 7 giờ mới biết con chết? Tại sao khi phát hiện con chết, bị cáo không lo cứu con hoặc nhờ cậy người khác cứu mà lại đắp mền lên người bé và tìm cách tự tử? Điều này không phù hợp tâm lý một người mẹ...”.
Đại diện VKSND TP.HCM giữ nguyên quan điểm truy tố tội vô ý làm chết người như cáo trạng.
Sau khi hội ý, tòa đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo HĐXX, không thể căn cứ vào lời khai của bị cáo mà phải xác định rõ ý thức chủ quan để xác định lỗi trên cơ sở toàn bộ quá trình diễn biến vụ án. Cụ thể là mâu thuẫn gia đình, động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội, nhằm xác định đúng tội danh với bị cáo.
Việc cáo trạng ghi nhận: “Trong lúc ôm con nằm ngửa trên người, tay trái Phượng có đeo nhiều vòng kim loại tiếp xúc mạnh vào vùng cổ của con dẫn đến làm chẹn đường hô hấp làm bé ngạt thở, tử vong” là không phù hợp bản tự khai, lời khai tại CQĐT và lời khai tại phiên tòa ngày 21-4 của Phượng. Chi tiết này cũng không phù hợp với lời khai của người làm chứng.
Cũng theo HĐXX, giải thích pháp y của giám định viên tại tòa cho thấy toàn bộ vòng simen nằm trên cẳng tay, không tiếp xúc vùng cổ, nếu có tác động của vòng thì tử thi phải có dấu vết để lại...
Căn cứ kết luận giám định và các văn bản trả lời của cơ quan giám định về nguyên nhân tử vong và thời gian tử vong, phần xét hỏi tại phiên tòa với giải thích kết luận giám định pháp y của giám định viên về nguyên nhân chết, tư thế chết của bé, HĐXX xét thấy đã đủ cơ sở để xác định: Bé gái đã chết trong khoảng thời gian mẹ cho bé nằm ngửa, dùng lực siết vùng cổ gây tổn thương. Khi thấy con khóc, bị cáo đã cho con nằm sấp úp thẳng mũi, mặt và miệng vào lồng ngực khiến bé chết ngạt do chẹn đường hô hấp trên vùng cổ. Chính bị cáo đã dùng lực để gây ra tổn thương vùng cổ, chẹn đường hô hấp trên vùng cổ khiến con chết ngạt.
Theo HĐXX, do không có căn cứ để xác định tại thời điểm phạm tội Phượng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để không thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra là nguy hiểm. Do đó hành vi của bị cáo là cố ý. Bị cáo đã thấy trước hậu quả nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra, chấp nhận hậu quả xảy ra. Vì thế cần trả hồ sơ để VKS xem xét có căn cứ xác định bị cáo phạm tội giết người theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS hay không.
Phút lắng đọng tại tòa Trước khi tuyên bố trả hồ sơ, nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã có những lời phân tích thấu lý đạt tình. Bà nói: HĐXX ở đây toàn nữ, không ai muốn làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Tuy nhiên, bản chất sự việc phải được tôn trọng. Chỉ khi làm rõ bản chất sự việc, nhìn nhận đúng vấn đề thì cái tâm của bị cáo mới thanh thản. Trong lòng bị cáo phải biết nguyên nhân chết của con mình thực sự là gì. Chúng tôi cũng là những người mẹ, chúng tôi cảm nhận được hết nỗi đau của bị cáo, cảm nhận được bức xúc của bị cáo. Là mẹ mà không cảm nhận được lại để con chết trên người thì nghe rất vô lý. Có thể tôi xử theo VKS, sẽ không có kháng cáo, kháng nghị vì xử đúng tội danh truy tố nhưng vong linh đứa bé sẽ không siêu thoát, đó là trách nhiệm của HĐXX... |