Uber, Grab đóng thuế có sòng phẳng, minh bạch?

Từ khi loại hình Grab, Uber xuất hiện, các hãng taxi truyền thống bị cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Lượng khách hàng sụt giảm, doanh thu của các hãng taxi liên tục đi xuống, hàng ngàn tài xế taxi đã phải nghỉ việc.

Taxi truyền thống chỉ ra những “lỗ hổng”

Bên cạnh những nỗ lực đổi mới để cạnh tranh, các hãng taxi truyền thống cũng liên tục kêu cứu với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội Taxi TP Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP.HCM đã lần lượt kiến nghị dừng ngay hoạt động thí điểm xe hợp đồng điện tử chín chỗ trở xuống theo Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT.

Theo các hãng taxi, họ đang bị “trói” bởi hàng loạt điều kiện kinh doanh ngặt nghèo. Họ phải chịu hàng chục loại thuế phí; bị đối xử thiếu công bằng dù tạo công ăn việc làm ổn định, đóng BHXH, BHYT cho hàng chục ngàn lao động. Trong khi đó Uber, Grab không hề đóng những khoản trên cho người hợp tác.

Đặc biệt, các hãng taxi rất bức xúc khi cho rằng mức thuế áp dụng đối với hai công ty Grab, Uber không công bằng so với họ. Tính riêng 30.000 xe taxi ở Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp (DN) taxi phải đóng cho Nhà nước 2.000 tỉ đồng tiền thuế. Trong khi đó, với 31.000 xe hợp đồng đang hoạt động như taxi, phần lớn tham gia loại hình ứng dụng công nghệ như Uber, Grab thì trung bình mỗi năm ngành thuế chỉ thu được 20 tỉ đồng.

“Grab, Uber chỉ phải nộp về ngân sách nhà nước mức thuế thu nhập DN tính trên doanh thu là 2%, so với mức 20% lợi nhuận của taxi truyền thống. Ngoài ra, taxi truyền thống còn phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10%, trong khi Uber chỉ bị áp thuế GTGT với mức 3% trên doanh thu, thậm chí thuế GTGT của Grab bằng 0%” - đại diện một DN taxi bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM.

Thanh tra giao thông TP.HCM đang kiểm tra giấy tờ xe của một tài xế taxi Uber. Ảnh: HUYỀN VI

Uber, Grab khác gì taxi truyền thống?

Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết chính sách thuế đối với hai công ty Grab, Uber đã được thông tin rõ ràng. DN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai. Phương pháp tỉ lệ trên doanh thu tính thuế chỉ áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai, tổ chức không phải là DN hoặc DN nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.

Do Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không có văn phòng tại Việt Nam nên được áp dụng theo quy định thuế nhà thầu nước ngoài. Uber không đáp ứng điều kiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.

“Căn cứ quy định của Bộ Tài chính, Uber B.V Hà Lan sẽ phải đóng 3% thuế GTGT trên doanh thu được hưởng, 2% thuế TNDN trên doanh thu được hưởng. Đối với cá nhân ký kết hợp đồng với Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải thì phải đóng 3% thuế GTGT trên doanh thu và 1,5% thuế thu nhập cá nhân” - vị lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM nói.

13 vòng kim cô với taxi truyền thống

Vừa qua, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng ý kiến nên cấm Uber, Grab là không được, chỉ nên quản chặt mà thôi. Bởi người tiêu dùng rất thích Uber, Grap vì giá rẻ, lịch sự...

Nhưng mặt khác, bà Loan cũng đề nghị: “Nên giảm các vòng kim cô của taxi truyền thống đi. Trên đầu taxi truyền thống hiện có 13 cái vòng kim cô. Làm sao để giảm ít đi hoặc có thể giảm xuống không còn cái nào”.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), liệt kê: “Taxi truyền thống phải chịu kiểm định, phải lắp đồng hồ trên xe, phải đăng ký tần số sóng, lái xe phải được tập huấn về quy tắc đạo đức, ứng xử...”.

Tương tự, việc xác định nghĩa vụ thuế của Grab cũng áp dụng theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn chỉ ra nhiều khác biệt giữa DN taxi và Uber, Grab. Taxi truyền thống đóng thuế GTGT 10%. Mức thuế suất thuế GTGT đối với Grab là 5%, Uber là 3%. Taxi truyền thống bị áp thuế TNDN 20% trên lợi nhuận. Uber, Grab phải nộp 2% thuế TNDN trên tổng doanh thu có được nhờ hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, các lái xe là đối tác của Uber, Grab cũng phải nộp 3% thuế GTGT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Sơn, nếu so sánh thuế TNDN giữa taxi truyền thống với Uber, Grab thì chưa biết ai lợi hơn ai. Vì theo ông, các DN taxi được khấu trừ các chi phí trong khi Uber, Grab lại không được khấu trừ.

Thế nhưng sự phân loại mô hình kinh doanh khác nhau. Taxi là kinh doanh vận tải, còn hai đơn vị còn lại là kinh doanh dịch vụ khoa học công nghệ thì xem chừng taxi truyền thống có phần thua thiệt. Vì theo ông Sơn, thực tế các hãng taxi truyền thống đang phải đáp ứng nhiều điều kiện kinh doanh vận tải “nặng” hơn so với Uber, Grab. Trong khi taxi truyền thống phải lắp đồng hồ tính cước, hộp đèn thì xe Uber, Grab không có phù hiệu và có thể di chuyển vào phố cấm taxi.

Trước kiến nghị Uber phải có văn phòng ở Việt Nam, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng kiến nghị này không giải quyết được vấn đề, mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và Uber vẫn xảy ra. Mấu chốt vấn đề là mô hình kinh doanh, cần làm rõ và thống nhất mô hình kinh doanh Uber, Grab là vận tải như taxi thì “cuộc chiến” có thể giảm nhiệt. Còn nếu Uber, Grab vẫn được cho là dịch vụ công nghệ thì các hãng taxi vẫn phản đối vì cho rằng họ chịu thiệt thòi hơn.

Những con số từ cơ quan thuế

Đối với Công ty Grab Việt Nam, theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu của Grab trong ba năm 2014, 2015, 2016 là 1.755 tỉ đồng. Đây là tổng doanh thu đối với hoạt động vận tải thu của khách hàng thông qua ứng dụng Grab, bao gồm cả của lái xe, các tổ chức, DN, hợp tác xã vận tải hợp tác với Grab và của bản thân Công ty Grab. Trên thực tế, doanh thu của riêng Công ty Grab thấp hơn con số trên. Do vậy, số thuế mà công ty này nộp cho Việt Nam trong ba năm qua chỉ có hơn 9,5 tỉ đồng.

Kết quả thanh tra về thuế mới đây đã chỉ rõ Grab vi phạm về thuế số tiền 2,961 tỉ đồng, tổng số tiền bị truy thu thuế là 2,286 tỉ đồng. Đến thời điểm này, Grab đã nộp đủ số thuế kê khai thiếu và số tiền bị buộc truy thu.

Đối với Uber, tổng doanh thu của hãng này ba năm từ 2014 đến 2016 và sáu tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỉ đồng. Số thuế do Uber chủ động kê khai và nộp cho cơ quan thuế là 76,877 tỉ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý tăng thu từ Uber số thuế là 66,84 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới