Các bộ Công Thương, Tư pháp, Công an, KH&CN vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng loại hình Uber, Grab ra đời đã nhận được sự phản ứng tích cực của người tiêu dùng, phản ánh hình thái phát triển kinh doanh vận tải trong nước phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng hiện Grab, Uber chưa cạnh tranh bình đẳng với taxi truyền thống. Nguyên nhân Bộ Công Thương đưa ra là do việc xác định loại hình này còn bất cập. Cụ thể, do những quy định hiện tại chưa tính tới loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua ứng dụng thương mại điện tử nên các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ này coi mình là đơn vị cung cấp các ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải. Điều này dẫn tới hệ lụy các đơn vị như Uber, Grab không chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách, người tham gia giao thông, trong khi họ là đơn vị thu tiền dịch vụ vận tải.
“Uber, Grab sẽ không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN này với taxi truyền thống, xe ôm. Ngoài ra, nếu đơn vị thí điểm là DN nước ngoài thì việc cho phép hoạt động sẽ không phù hợp với quy định “không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới” của Việt Nam trong WTO, gây bất bình đẳng với DN trong nước” - Bộ Công Thương giải thích thêm.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị sửa quy định Grab, Uber là DN kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp ứng dụng phần mềm trong dịch vụ vận tải thông thường. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần bổ sung khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan liên quan như thuế, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải để quản lý loại hình vận tải kết nối theo hợp đồng này. Đặc biệt, cần nghiên cứu các biện pháp đảm bảo hoạt động bình đẳng giữa loại hình Uber, Grab với taxi truyền thống.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp nhất trí với chủ trương tiếp tục triển khai loại hình Uber, Grab nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, cần bổ sung loại hình trên trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014.
Cùng quan điểm, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT tiến hành tổng kết và đánh giá toàn diện việc thí điểm để làm cơ sở báo cáo Chính phủ ban hành chính sách pháp lý phù hợp nhằm giúp các loại hình Uber, Grab tiếp tục hoạt động sau khi thí điểm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Bộ KH&CN đề nghị Bộ GTVT cung cấp thêm về số lượng đơn vị vận tải, phương tiện tham gia thí điểm tại từng địa phương để đánh giá sự tác động, ảnh hưởng tới việc ùn tắc giao thông của mỗi địa phương.
Trước đó, liên quan tới loại hình vận tải Uber, Grab, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT khẳng định hoạt động của loại hình Uber, Grab được người dân đón nhận tích cực. Đối với một số kiến nghị của các sở GTVT về số lượng xe tăng cao phá vỡ quy hoạch taxi, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép các địa phương đã thí điểm khi tổng số lượng phương tiện xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới chín chỗ ngồi cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn theo quy định tại Điều 6 Luật Giao thông đường bộ 2008. |