Bộ GTVT nói gì về kiến nghị đòi dừng Uber, Grab?

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 12131/BGTVT-VT gửi Văn phòng Chính phủ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Taxi TP.HCM về việc giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM về một số vấn đề liên quan đến hoạt động thí điểm hợp đồng điện tử (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT).
Theo đó, Bộ GTVT nhận được văn bản ngày 13-10 của Văn phòng Chính phủ gửi kèm theo kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM về việc đồng kiến nghị với Hiệp hội Taxi Hà Nội.

Bộ GTVT trả lời các nội dung kiến nghị như sau:

Về kiến nghị: “Dừng ngay kế hoạch thí điểm đối với xe hợp đồng chín chỗ trở xuống theo Quyết định 24 của Bộ GTVT nhằm tổng kết đánh giá để rút kinh nghiệm ngay và không cần chờ đến 7-1-2018 (hết thời hạn thí điểm).

Bộ GTVT một lần nữa khẳng định việc xây dựng, ban hành và triển khai Quyết định 24 kèm theo kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là hoàn toàn phù hợp quy định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về kiến nghị: “Dừng ngay việc gia tăng phương tiện tham gia thí điểm đối với các đơn vị, địa phương hiện tại và không mở rộng thí điểm ra các tỉnh, thành phố khác”.

Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép các địa phương đã thí điểm, khi tổng số lượng phương tiện xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng chín chỗ cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn theo quy định tại Điều 6 Luật Giao thông đường bộ 2008, tránh cung vượt cầu, góp phần phát triển hài hòa các phương tiện vận tải.

Về kiến nghị: “Nếu Grab-Uber vẫn tiếp tục có thái độ coi thường pháp luật và Nhà nước Việt Nam - vẫn triển khai trái phép kiểu hoạt động lách luật, cạnh tranh không lành mạnh thì đề nghị Nhà nước thu hồi giấy phép kinh doanh.”

Bộ GTVT thấy rằng đây là vấn đề mới phát sinh, liên quan đến chuyên ngành quản lý của nhiều lĩnh vực, do vậy Bộ ghi nhận nội dung đề xuất và sẽ phối hợp với các bộ: KH&ĐT, Công Thương, TT&TT, Tư pháp để nghiên cứu, xem xét, đưa vào nội dung quản lý tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp với thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm