Ứng dụng công nghệ AI để dự báo mưa

(PLO)- Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong dự báo lượng mưa cho ngày kế tiếp.

Ngày 25-12, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ tổ chức hội thảo đánh giá về diễn biến lũ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Giám, nguyên Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết ĐBSCL chịu ảnh hưởng phức tạp của nhiều yếu tố khí tượng thủy văn như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa và biến đổi khí hậu…

Cụ thể, khi bão hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện mang theo lượng mưa lớn vào khu vực sẽ gây ra lượng mưa đột biến. Điều này làm gia tăng nguy cơ lũ lụt ở thượng nguồn do mực nước sông dâng cao nhanh chóng. Cạnh đó, biến đổi khí hậu có thể làm tăng cường tần suất và cường độ của các yếu tố khí tượng cực đoan như gió mùa, bão và mưa lớn. Điều này dẫn đến rủi ro cao hơn về lũ lụt và thủy triều bất thường...

Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: NC

Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang đánh giá công tác dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kết quả dự báo có tính chính xác cao sẽ góp phần hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

"Cần đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và ứng dụng các mô hình dự báo lũ phù hợp với điều kiện địa lý, địa hình, dòng chảy sông MeKong và ĐBSCL. Đồng thời tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế khu vực thượng nguồn sông sông MeKong để nắm bắt về điều kiện địa lý, đặc điểm địa hình, dòng chảy và hệ thống công trình ở thượng nguồn nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác dự báo lũ ĐBSCL "- ông Lưu Văn Ninh kiến nghị.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong dự báo lượng mưa cho ngày kế tiếp. Ảnh: NC

Theo báo cáo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, năm 2024 (trong mùa mưa, lũ) tại lưu vực hạ lưu sông MeKong có 10 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ít hơn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, cơn bão số 3 (YAGI) và số 4 (SOULIK) đi vào đất liền khu vực thượng nguồn sông MeKong.

Lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 8 của lưu vực hạ lưu sông MeKong thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm và trung bình nhiều năm, từ tháng 9 đến tháng 10 xấp xỉ hoặc lớn hơn cùng kỳ nhiều năm và trung bình nhiều năm.

Các giải pháp mà Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đưa ra trong thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu ứng dụng hoặc cải tiến công nghệ cao trong công tác dự báo. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình dự báo thủy văn hiện đại, hệ thống mô hình kết hợp thuỷ văn để dự báo lũ, lũ lớn, nước dâng, triều cường... phục vụ quy trình vận hành liên hồ chứa. Xây dựng mô hình tổ chức công tác dự báo, cảnh báo thủy văn tập trung theo các lưu vực sông,

Đặc biệt giải pháp được đưa ra trong thời gian tới là ứng dụng công nghệ dự báo mưa bằng AI, giải pháp này dựa trên dữ trên dữ liệu synop, phân tích và khảo sát tính khả thi để thực hiện dự báo lượng mưa ở các trạm tại Việt Nam cho ngày tiếp theo.

"Mô hình sẽ đạt được độ dự báo chính xác cao bằng cách sử dụng dữ liệu synop đã có và sử dụng mô hình để dự báo lượng mưa cho ngày kế tiếp"- đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới