Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cho thấy uống nhiều sữa có thể không giúp giảm nguy cơ gẫy xương. Ảnh: Thinkstock
Nghiên cứu - được tiến hành ở Thụy Điển, đã kiểm tra thói quen ăn uống của 61.400 phụ nữ trong thời gian 1987-1990 và 45.300 người vào năm 1997.
Những người này được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi về mức độ thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm phổ biến như sữa, sữa chua và pho mát trong khoảng thời gian 1 năm.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu theo dõi xem có bao nhiêu người bị gãy xương và bao nhiêu người qua đời trong những năm sau đó.
Họ nhận thấy trong thời gian theo dõi 20 năm, những phụ nữ uống từ 3 ly sữa/ngày trở lên (tương đương 680ml sữa trở lên) có nhiều khả năng bị gãy xương hơn so với những người uống sữa ít hơn.
Nhóm uống nhiều sữa cũng có nguy cơ tử vong cao hơn những người còn lại.
"Cuối cuộc nghiên cứu, những phụ nữ uống từ 3 ly sữa/ngày trở lên có khả năng tử vong cao gấp hai lần những người uống dưới 1 ly/ ngày. Những người uống nhiều sữa cũng có nguy cơ gãy xương hông cao hơn 50%", Giáo sư Karl Michaelsson - nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala nói, BBC trích dẫn.
Ở đàn ông, kết quả cũng cho thấy một xu hướng tương tự nhưng ít rõ ràng hơn.
Trong khi đó, với sản phẩm sữa lên men (như sữa chua), nhóm nghiên cứu nhận thấy chiều hướng ngược lại: những người tiêu thụ nhiều hơn có nguy cơ bị gãy xương thấp hơn.
Theo Giáo sư Michaelsson, những kết quả trên có thể là do đường trong sữa - vốn đã được một số nghiên cứu ở động vật chứng minh là làm tăng tốc độ lão hóa.
Ông cũng cảnh báo rằng nghiên cứu của họ chỉ đề cập đến một xu hướng và không nên được hiểu đây là bằng chứng cho thấy uống nhiều sữa gây gãy xương. Theo họ, các yếu tố như rượu và cân nặng nhiều khả năng có liên quan.
Theo Giáo sư Michaelsson, những kết quả trên có thể là do đường trong sữa - vốn đã được một số nghiên cứu ở động vật chứng minh là làm tăng tốc độ lão hóa.