Văn hóa 'lót tay, lại quả' ở doanh nghiệp

VCCI và Thanh tra Chính phủ công bố nghiên cứu Thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam ngày 4/4. Hầu hết doanh nghiệp đều thừa nhận, họ vừa là tác nhân vừa là nạn nhân gây ra tham nhũng.

Tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực từ việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, thuế, hải quan, quản lý thị trường, xây dựng, ngân hàng. Có tới 40% ý kiến cho biết, khoản chi phí không chính thức chiếm khoảng 1% trong tổng số chi phí hằng năm của doanh nghiệp; 13% doanh nghiệp cho rằng khoản này chiếm tới hơn 5%.

Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tới 39,9% doanh nghiệp tin rằng phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất. Hơn 18% cho biết họ được cán bộ giải quyết gợi ý đưa phong bì khi làm các thủ tục trong lĩnh vực này. 83% gửi quà biếu là tiền.

Văn hóa 'lót tay, lại quả' ở doanh nghiệp ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp cho rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Ảnh: Hoàng Hà.

Mặc dù Chính phủ đã triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh song số đông cho rằng, thủ tục vay vốn rất phức tạp. Để tiếp cận được đồng vốn, có tới hơn 60% doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng. Gần 50% khẳng định, phải có tiền bồi dưỡng cán bộ tín dụng thì mới được vay vốn. Trường hợp vay vốn từ các ngân hàng thương mại, cũng cần phải "lại quả". Để họ ưu tiên cho mình, thì bắt buộc phải trả một khoản phí. Nhưng bản thân mình phải lobby cho cán bộ thẩm định, cán bộ lo tư vấn hồ sơ cho mình, và nhiều khi theo quy trình, họ nói phải trả phần trăm này phần trăm kia. Trong lĩnh vực cung cấp điện, nước cũng có tham nhũng. 8,55% doanh nghiệp cho biết ngoài thanh toán theo hóa đơn, họ phải trả thêm chi phí không chính thức cho đơn vị cung cấp điện. 4,1% phải trả thêm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp cung cấp nước. Riêng mảng đấu thầu, gần 42% cho rằng, việc gửi quà biếu cho các cán bộ là rất phổ biến. Trong mối quan hệ giữa cán bộ doanh nghiệp với nhà nước, 67% ý kiến cho rằng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. 63% quan điểm nhận định, việc các doanh nghiệp gửi quà, phong bì bày tỏ lòng cảm ơn với cán bộ là thông lệ chung. Nghiên cứu cho rằng, trong quan hệ doanh nghiệp - doanh nghiệp, hình thức tham nhũng phổ biến là tiền từ việc “lại quả” theo giá trị hợp đồng. Hình thức này cũng được ghi nhận nhiều như một thông lệ trong giao dịch, làm ăn, để giữ mối quan hệ hay thúc đẩy các hoạt động khác như thanh toán, giao nhận hàng hóa, dịch vụ. Việc đưa “phong bì” cho các cán bộ nhà nước, trước hay sau, cho dù mục đích cảm ơn hay “trả giá” để cán bộ nhà nước giải quyết là khá phổ biến và xem như thông lệ được chấp nhận trong kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tham nhũng cũng được nhận diện dưới các quà tặng, cổ phần, cổ phiếu, mời đi du lịch… Nguyên nhân nảy sinh tham nhũng là sai trong nhận thức và văn hóa doanh nghiệp. Đơn cử cho rằng, tham nhũng là tập quán và không đúng khi “thể hiện sự biết ơn". Lương thấp cũng là một lý do nảy sinh. Ông Conrad F Zellmann, Phó giám đốc Tổ chức hướng tới Minh bạch (TT) cho rằng, doanh nghiệp đã ý thức được vai trò của mình, tuy nhiên dường như vẫn tiếp tay cho các khoản thanh toán không chính thức. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng. Để hạn chế tình trạng này, ông Conrad F Zellmann cho rằng, cần tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa tính liêm chính trong doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa chính phủ với doanh nghiệp.

Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát 270 doanh nghiệp, 7 cuộc thảo luận nhóm và 12 cuộc phỏng vấn sâu tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Đồng Nai và Cần Thơ. Nghiên cứu tập trung vào thực trạng tham nhũng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan công quyền và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Theo Hoàng Lan (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm