Đại lễ là dịp để thức tỉnh mình

Thăng Long-Hà Nội đã từng mang trong mình những nét đẹp thanh lịch trong từng miếng ăn, câu nói, cách mặc... 1.000 năm, đủ cho một kinh kỳ thay da đổi thịt, đẹp đẽ hơn, lộng lẫy hơn. Nhưng cũng không ít điều bị phôi phai, mai một khiến không ít du khách phải phiền lòng khi đặt chân đến đất Thăng Long ngày nay. Hôm nay (1-10), đại lễ 1.000 Thăng Long-Hà Nội khai mạc, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã dành cho Pháp Luật TP.HCM một cuộc trao đổi xoay quanh những trăn trở về Hà Nội xưa và nay.

Cái nôi tinh hoa của đất nước

. Là một người nghiên cứu sâu về Hà Nội, ông sẽ giới thiệu những gì về Hà Nội cho những người khách từ phương xa đến?

Đại lễ là dịp để thức tỉnh mình ảnh 1
Nhà Hà Nội họcNguyễn Vinh Phúc: Không riêng gì tôi mà những người Hà Nội sống lâu ở đây đều muốn giới thiệu về những di tích của Hà Nội. Ví dụ như Văn Miếu, nơi lưu giữ 82 văn bia ghi lại trên 1.000 tên tuổi tiến sĩ của nước ta. Bên cạnh đó còn có Quốc Tử Giám được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Trên bờ sông Tô Lịch cổ còn có ngôi đền Đồng cổ (làng Đông Xã) có niên đại từ năm 1028, đến nay cũng ngót nghét 1.000 năm rồi. Đây là nơi vua Lý bắt buộc trăm quan trong triều hằng năm cứ tới ngày 14-4 đến đây để thề. Một câu thề đơn giản: "Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, nếu không trời sẽ tru, đất sẽ diệt". Đấy gọi là Hội thề trung hiếu. Suốt đời Lý và sang đến đời Trần, năm nào cũng vậy, đến ngày ấy, tháng ấy, bách quan phải ra đó mà thề. Đến bây giờ dân làng Đông Xã vẫn tổ chức Hội thề trung hiếu. Có điều nội dung lời thề thay bằng câu Bác Hồ dạy: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Ngoài ra, Hà Nội có rất nhiều hồ nổi tiếng. Chỉ nói về Hồ Tây thôi đã lưu giữ không biết bao nhiêu kỷ niệm của người xưa, bao nhiêu là truyền thuyết đẹp. Rồi đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc…

. Vậy còn với người Hà Nội, thưa ông?

+ Hà Nội vốn là nơi hội tụ tài hoa của đất nước. Cho nên phong tục của Hà Nội chính là phong tục của các nơi hội tụ về đây và được tinh lọc. Từ ăn, mặc, nói năng đi lại, hưởng thụ nghệ thuật đều từ các nơi về cả nhưng đến đây, kinh đô này họ buộc lòng điều chỉnh mình và tạo nên nét đẹp của người Hà Nội. Ăn uống thanh cảnh, mặc đẹp nền nã, nói năng uyển chuyển ngọt ngào, ứng xử lịch lãm, hưởng thụ nghệ thuật tinh tế. Thời xưa, người các nơi về Hà Nội ít và có thời gian giãn cách nên họ có thể rũ bỏ được các quê kiểng, các thô phác ở địa phương mình mà hội nhập vào cái tài hoa của đất Thăng Long.

Đại lễ là dịp để thức tỉnh mình ảnh 2

Tuổi trẻ Hà Nội thanh lịch với tà áo dài trên phố. Ảnh: Trang Anh

Phai phôi trên chính những người trẻ

. Nhưng đấy là người Hà Nội xưa, còn người Hà Nội ngày nay thì như thế nào?

+ Tôi sẽ dẫn các bạn đến những ngôi nhà cổ xưa để gặp các ông già, bà cả, những người Hà Nội “zin”, những người giữ được nề nếp gia phong từ xưa để lại. Còn với tuổi trẻ Hà Nội, đại bộ phận cũng giữ được truyền thống của người Hà Nội. Tất nhiên nó được hiện đại hóa, thành tâm hóa đi.

Và một người Hà Nội khác hoàn toàn mà không giới thiệu nhưng ai cũng biết. Các bạn chỉ cần nhìn ngoài đường sẽ thấy: chen lấn nhau, chửi nhau, đánh nhau…. Nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ.

. Là một bộ phận nhỏ nhưng đã tạo nên một nếp nghĩ không hay với nhiều du khách khi đặt chân đến Hà Nội. Họ cho rằng Hà Nội giờ nổi tiếng với “phở quát, cháo chửi”. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Không phải riêng tôi mà rất nhiều người Hà Nội có tuổi đều cảm thấy xót xa. Cái cũ phai phôi đi, mà là phai phôi từ lớp trẻ, những người sẽ nối tiếp, duy trì, quản lý xã hội này.

. Vậy theo ông, người Hà Nội cần làm gì để lấy lại vẻ đẹp thanh lịch vốn có từ xa xưa?

+ Muốn cho Hà Nội trở lại quỹ đạo thanh lịch, văn minh thì phải có thời gian và phải làm đồng bộ. Muốn thế, ngoài các phong trào xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, bây giờ phải đẩy mạnh hơn nữa, nghiêm minh hơn nữa việc thi hành pháp luật. Luật của mình bây giờ có nhiều nhưng thực thi còn lỏng lẻo. Người ta không thấy sợ pháp luật. Tục ngữ Pháp có câu: “Sự sợ hãi trước người cảnh sát là bắt đầu của văn minh”. Đấy không phải là sợ anh cảnh sát mà là sự sợ hãi pháp luật. Hãy làm sao để pháp luật được tôn trọng!

Tôi hy vọng đại lễ này là dịp để thức tỉnh một bộ phận người Hà Nội chưa tự điều chỉnh mình. Mọi người hãy cấu trúc lại tính cách của mình vì cái gọi là Nhất điểm linh đài. Một cái điểm linh thiêng ở trong cõi lòng người ta để soi lại tấm gương tổ tiên đã để lại.

Xin cảm ơn ông.

Khai mạc đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

NSƯT Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, cho biết điểm nhấn của lễ khai mạc là lễ dâng hương tưởng nhớ vua Lý Thái Tổ - người đã có công định đô tại mảnh đất “rồng bay”.

Sau phần lễ kéo dài khoảng 90 phút, từ 9 giờ 30 đến 16 giờ 30 là các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng. Ngày đầu tiên, các chương trình biểu diễn chủ yếu tập trung xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ngoài sân khấu chính tại vườn hoa Lý Thái Tổ, có năm sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Các sân khấu tập trung theo từng chủ đề ca ngợi Hà Nội như Thăng Long-Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng; Thăng Long-Hà Nội, thủ đô văn hiến; Thăng Long-Hà Nội, thành phố vì hòa bình, Hà Nội - trái tim của cả nước… Sân khấu chính có sự góp sức của 1.000 nghệ sĩ, năm sân khấu nhỏ mỗi sân khấu có từ 100 đến 400 nghệ sĩ.

Cũng tại các sân khấu khu vực Hồ Gươm, tối ngày khai mạc sẽ diễn ra chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp đặc biệt mang tên Đêm Hồ Gươm lung linh do nhạc sĩ Trọng Đài làm tổng đạo diễn. 20giờcùng ngày, tại Nhà hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra chương trình hòa nhạc của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn với chủ đề “Hội nhập quốc tế - niềm tin hướng tới tương lai”. Các hoạt động chào mừng đại lễ tại Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước sẽ được phản ánh trong cầu truyền hình trực tiếp Cả nước với Hà Nội trên kênh VTV1 và VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam.

BẢO PHƯỢNG

Phó Chủ tịch nước gặp mặt 100 phụ nữ tiêu biểu

Sáng 30-9, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp mặt 100 phụ nữ tiêu biểu xuất sắc của thủ đô Hà Nội. Phó Chủ tịch nước mong muốn các tầng lớp phụ nữ Hà Nội tiếp tục là điển hình trong các phong trào thi đua; động viên ý chí học tập, phát huy những sáng tạo trong lao động, công tác để các thế hệ trẻ noi theo; khẳng định vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, chống phân biệt đối xử, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới...

92 tác phẩm đoạt Giải báo chí toàn quốc về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Ngày 30-9, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố các tác phẩm đoạt Giải báo chí toàn quốc về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trong số 689 tác phẩm dự thi, Hội đồng chung khảo đã quyết định trao 92 giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất gồm sáu giải A (mỗi giải 20 triệu đồng), 20 giải B (mỗi giải 15 triệu đồng), 33 giải C (mỗi giải 10 triệu đồng) và 33 giải khuyến khích (mỗi giải 3 triệu đồng).

TD-YT

THU HẰNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm