NHỮNG KỲ ÁN ĐẤT ĐAI Ở NAM BỘ THỜI KHẨN HOANG - BÀI CUỐI

Cù lao Ngũ Hiệp, ba “vương triều” sụp đổ

Cù lao Ngũ Hiệp (xưa còn gọi cù lao Năm Thôn), thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang) hiện có 1.657 ha vườn, trong đó có tới hơn 1.500 ha trồng sầu riêng. Sầu riêng đã làm đời sống dân cư và bộ mặt cù lao khang trang, phồn thịnh nên cù lao được gọi là “vương quốc sầu riêng”. Trong lịch sử, cù lao này ba lần bị cưỡng chiếm, biến thành vương quốc và cả ba đều sụp đổ thê thảm.

Cù lao Ngũ Hiệp đã được khai khẩn từ hồi chúa Nguyễn, nổi danh trù phú nhờ huê lợi ruộng, trồng cau, dừa và trồng dâu nuôi tằm. Khi Pháp chiếm Mỹ Tho, dân vùng này tham gia các phong trào kháng chiến của Trương Định, Thủ khoa Huân. Khởi nghĩa thất bại, người dân bỏ trốn đi nơi khác. Theo “luật” của chính quyền thực dân, chủ đất ở Nam Kỳ phải ra đăng ký nếu quá hạn đất sẽ bị sung công. Mãi đến sáu năm sau, chỉ có tám gia đình trở về xin lãnh phần đất cũ gồm 36 ha.

Cù lao Ngũ Hiệp, ba “vương triều” sụp đổ ảnh 1

Cù lao Ngũ Hiệp hôm nay. Ảnh: AK

Ảo tưởng thực dân Taillefer

Nhân cơ hội ấy, thực dân Taillefer lập công ty, trưng khẩn 300 ha đất của cù lao này với giá rẻ mạt 10 quan tiền mỗi hecta. Chính quyền đã niêm yết suốt ba tháng trong tỉnh Mỹ Tho nhưng chủ đất cũ chẳng ai dám tranh cản. Taillefer đến gặp số người đã hồi cư, gạ mua 36 mẫu đất của họ. Tạm thời, Taillefer cho họ mượn tiền để làm ăn. Taillefer tuyên bố rằng cù lao này thuộc trọn quyền sở hữu của y, dân ở trên cù lao bị đối xử như tá điền, lính thợ. Taillefer áp dụng chế độ cai trị như một vương quốc, sáng và chiều cho đánh trống, điểm danh tá điền như ở trại lính. Dân trên cù lao chỉ phải đóng “thuế đất” cho y và khỏi đóng thuế cho chính quyền.

Taillefer lập nhà máy xay lúa, mua lúa non của dân trên cù lao, cho vay cắt cổ 10%/tháng, con nợ phải ký giấy để cầm cố đất, không trả được tiền thì phải chịu mất đất. Taillefer còn cạnh tranh với thương lái người Hoa, mua gom lúa ở khu vực lân cận về xay và đưa lên Sài Gòn xuất khẩu. Taillefer qua Sóc Trăng, Hậu Giang mua và lập chành trữ lúa, lại yêu cầu chủ tỉnh Sóc Trăng cho bắt dân địa phương làm xâu để cất chành lúa tại chỗ thí công nhưng chủ tỉnh không chấp thuận. Học theo kiểu lấy hàng đổi lúa của người Hoa, Taillefer nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Pháp như nồi niêu, soong chảo, vải bô, khăn mu-soa, rượu vang, bắt dân trong cù lao mua lại hoặc đổi lúa. Nhưng hàng hóa của Taillefer quá xa xỉ nên không mấy người mua. Muốn làm giàu nhanh theo kiểu Tây, Taillefer trồng cây va-ni để chế bột thơm gia vị, trồng bông vải, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía. Đến năm 1868, cù lao quy tụ chừng 1.200 người, Taillefer cho lập hai làng, nhìn bên ngoài rất phồn thịnh. Nhưng chính trong năm ấy mùa màng thất bát, dân trên cù lao giật nợ trốn đi nơi khác; những người lãnh tiền để mua lúa cho nhà máy xay cũng bỏ trốn.

Taillefer kiện lên tòa án Mỹ Tho nhờ xét xử. Nhưng do trước đây y tỏ ra hách dịch với quan chức người Pháp nên đây là dịp để họ trả thù. Những con nợ được xử trắng án vì Taillefer đã lấy lãi quá cao. Taillefer kiện với thống đốc Nam Kỳ. Đơn kiện bị bác, Taillefer phá sản. Năm 1871, cù lao Năm Thôn bị đem ra phát mại.

Cù lao Ngũ Hiệp, ba “vương triều” sụp đổ ảnh 2

Vết tích móng nền nhà của dinh cơ Đốc phủ Mầu. Ảnh: AK

Bạo chúa Trần Bá Thọ tự sát

Tổng đốc Trần Bá Lộc lúc đó đang là chủ huyện Cái Bè nhân cơ hội này mua lại cù lao Năm Thôn với tham vọng làm lãnh chúa. Trần Bá Lộc đầu tư mở rộng đất canh tác tại đây lên tới 750 ha. Với cù lao Năm Thôn, cù lao Rồng và hơn 1.000 ha đất được Pháp cấp cho khẩn hoang sau khi đào xong kênh Tổng đốc Lộc (nay là kênh Dương Văn Dương), Trần Bá Lộc trở thành một trong những người giàu nhất Nam Kỳ. Trần Bá Lộc chết, con là Trần Bá Thọ làm chủ quận Kiến Phong (Sa Đéc) kế thừa di sản, trong đó có cù lao Năm Thôn, tiếp tục giấc mơ lập vương quốc ở cù lao này.

Trần Bá Thọ ỷ thế cậy quyền, cưỡng đoạt cô dâu ngay giữa tiệc cưới ở làng Tân Dương, bị nhân sĩ Đặng Thúc Liêng tố cáo. Thanh tra chính trị Nam Kỳ đã tra xét, cách chức, bắt giữ Trần Bá Thọ giải về Sài Gòn. Sau đó, công cuộc làm ăn của Thọ bị thất bại, nợ nần chồng chất, dinh cơ đồ sộ ở Sa Đéc bị dân đốt cháy, đất đai bị ngân hàng tịch biên phát mại, Trần Bá Thọ phải bắn vào đầu tự sát năm 1909. Người đương thời có bài thơ về cha con Trần Bá Thọ.

Dám đem xương máu của đồng bào 

Mà cất cái dinh thật lớn lao 

Khói tỏa cung A, rằng chuyện cũ 

Lửa thiêu dinh Bá, khác đâu nào! 

“Phì da” quân đối “sơn hà cổ” 

“Báo oán” “dân đồng “nhật nguyệt cao” 

Nước sạch Cái Bè trong leo lẻo, 

Làm gương cho sách để về sau.

Cù lao Ngũ Hiệp, ba “vương triều” sụp đổ ảnh 3

Bến phà qua thôn Ngũ Hiệp. Ảnh: AK

Tiền kho tan bọt nước

Sau khi Trần Bá Thọ tự sát, cù lao Ngũ Hiệp và cả cù lao Rồng được bán cho Đốc phủ Lê Văn Mầu. Một lần nữa cù lao Ngũ Hiệp trở thành “vương quốc”. Đốc phủ Mầu giải tán hội tề xã để nắm trọn quyền hành. Dân trên cù lao phải làm xâu và đóng thuế thân cho hắn. Tất cả người dân trên cù lao phải gọi vợ chồng y là ông cố, bà cố, gọi con cái y là ông lớn, bà lớn và mỗi khi gặp vợ chồng y đều phải quỳ lạy, thưa bẩm.

Vợ chồng Đốc phủ Mầu tính toán bóc lột rất tinh vi. Khi cho thuê ruộng thì dùng thước non, tính luôn cả bờ ruộng. Tôm cá dưới kênh rạch không ai được câu bắt. Hắn cho nông dân vay lúa bằng giạ 40 lít, thu lại bằng giạ 50 lít, không kể 50% lãi trong một năm. Đến mùa gặt lúa, các cửa cổng đều đóng kín, trên bờ bao có người cưỡi ngựa canh tuần suốt ngày đêm. Người đong lúa ruộng lúa vay xong mới được cấp giấy chở lúa ra khỏi cù lao. Chắt bóp vun vén như vậy nên Đốc phủ Mầu càng lúc càng giàu thêm.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 30-11-1940, nghĩa quân xã Long Hưng (Châu Thành) phối hợp với nghĩa quân các xã Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hiệp Đức (Cai Lậy) kéo qua cù lao Ngũ Hiệp chiếm kho lúa của Đốc phủ Mầu và 50.000 đồng tiền Đông Dương để chia cho người nghèo. Số lúa rất nhiều, người dân phải chuyển ba ngày mới hết. Dinh cơ của Đốc phủ Mầu ở đây cũng bị đốt cháy, chấm dứt một tham vọng xây dựng vương triều trên tiểu quốc cù lao.

Vài nét về chân dung các bạo chúa

Taillefer nguyên là sĩ quan hải quân trong quân đội Pháp xâm chiếm Nam Kỳ. Sau trở thành thực dân dùng quyền lực chiếm 185 mẫu đất ở Tân An. Taillefer lập đề án chắn hai đầu kênh Bảo Định bơm nước để khẩn hoang 1.000 ha vùng Tân An nhưng không được chấp thuận nên chuyển sang đầu tư mua cù lao Ngũ Hiệp.

Trần Bá Lộc là Việt gian nổi tiếng tàn ác, được thực dân Pháp tin dùng trong đàn áp các phong trào Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Mai Xuân Thưởng, cố quản Thành. Tổng đốc Bình Khánh là danh xưng khi làm nhiệm vụ đàn áp cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng.

Trần Bá Thọ là con Trần Bá Lộc được đi học ở Pháp, sau về làm tri phủ, đốc phủ Cái Bè, Sa Đéc. Tính tình tham lam, tàn nhẫn như cha. Chính Trần Bá Thọ đã theo dõi và mật báo cho chính quyền Pháp đàn áp phong trào Minh Tân của Trần Chánh Chiếu và những nhà yêu nước khác năm 1908.

Đốc phủ Lê Văn Mầu vốn là một học trò nhà nghèo, sinh năm 1867 ở xã Điều Hòa (Mỹ Tho), là một trong những học sinh đầu tiên của Collège de Mytho, sau chuyển lên Trường Taberd Saigon. Sau khi đậu Thành chung, làm thông ngôn, lên tri phủ, đốc phủ, làm chủ quận Chợ Gạo, Châu Thành, Mỹ Tho. Đốc phủ Mầu là nhà phú hộ quyền uy ở Mỹ Tho, lãnh chúa của cù lao Năm Thôn. Con gái của Đốc phủ Mầu kết hôn với Mathieu Franchini là chủ nhà hàng Continental (quận 1, TP.HCM).

LÊ ĐẠI ANH KIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm