Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân cho biết đó là bà Lê Thị Dinh, cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai ba vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh) và cũng là người lo hương khói cho 5 vua triều Nguyễn đang được thờ tại phủ Kiên Thái Vương. Không riêng thờ vua, mỗi khi có người trong gia đình vua qua đời, bà Dinh đều tổ chức lễ cầu siêu theo đúng tục lệ cung đình xưa.
Bà Lê Thị Dinh dâng sớ trong lễ cầu siêu cho bà Mộng Điệp, thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại hôm 1/7. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Ở Huế, Kiên Thái Vương là phủ duy nhất đặt áng thờ 5 vị vua triều Nguyễn. Để tiện cho việc nhang khói, bà Dinh cùng con trai dọn về ở hẳn trong phủ, tọa lạc tại số 179 đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Công việc của bà lặng lẽ như chính những hương án của các vị vua thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Dù đã bước sang tuổi 91 nhưng bà Dinh vẫn nhớ như in những ngày được vào cung phục vụ bà Thánh Cung Hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh và bà Hoàng Thái hậu Từ Cung, vợ của vua Khải Định, rồi chuyện bà được tận mắt chứng kiến đám tang cung đình…
Là con cháu hoàng tộc, năm lên 8 tuổi, đang học dở lớp 5 trường Đồng Khánh, bà Dinh được bà Thánh Cung gọi vào cung. Do chịu thương chịu khó nên bà Dinh được Thánh Cung yêu quý. Thời đó có hàng trăm cung nữ phục vụ, nhưng Thánh Cung không ưa mà thường sai bà Dinh làm bánh, hay giúp kẻ lông mi mỗi khi trang điểm. Mỗi tháng bà Dinh được triều đình trả 6 đồng tiền lương, quy ra mỗi đồng thời đó mua được 100 lon gạo.
Lên 15 tuổi, lần đầu tiên trong đời bà Dinh được chứng kiến tang lễ trong cung đình, tang lễ bà Thánh Cung. “Đám tang kéo dài trong một tháng theo nghi thức cung đình. Ngày nào Bộ Lễ cũng vào làm lễ. Đến giờ cơm đều có cúng cơm, cúng gạo”, bà Dinh kể.
Sau khi Thánh Cung qua đời, bà Dinh ở lại cung để phục vụ đức Từ Cung, vợ vua Khải Định. Là chân sai vặt nhưng biết ít chữ nghĩa, lại được Từ Cung tin tưởng nên thỉnh thoảng bà Dinh được sai viết thư hỏi thăm vua Bảo Đại mỗi khi vua đi chơi xa hay lần bị tai nạn khi đi săn ở Đà Lạt. Viết xong, bà Dinh đọc lại để bà Từ Cung duyệt rồi mới gửi đi.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Dinh theo đức Từ Cung về ở cung An Định, rồi chuyển về nhà số 79B, nay đổi thành 147 Phan Đình Phùng, và chăm lo cho bà Hoàng Thái hậu này những ngày cuối đời. “Là người tốt nhưng do thời thế, ngày đức Từ Cung qua đời, con cháu đều đang lưu lạc nên không ai đến thắp cho bà nén hương”, giọng bà Dinh buồn buồn khi nhắc lại chuyện cũ.
Bà Dinh trước hương án vua Kiến Phúc. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Sau đó bà Dinh về ở hẳn phủ Kiên Thái Vương cùng con trai cả và gắn mình với việc lo hương khói cho 4 vua: Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, năm 1997 thì thêm áng thờ vua Bảo Đại.
“Khi qua đời bà Từ Cung không có dặn dò nhưng đã là phận con cháu hoàng tộc thì phải lo hương khói. Với lại con cháu, anh em đàng nội đều đi Tây cả, mình không lo thì để các vua lạnh lẽo sao được”, bà Dinh giải thích về việc hơn 30 năm nay đứng ra lo hương khói cho các vua.
Bà Dinh kể, thời vua Khải Định, con trưởng của vua Đồng Khánh, mỗi lần giỗ các vua hoặc ngày tết ở Thế miếu, Thái miếu, Triệu miếu và Hưng miếu thường tổ chức rất linh đình, việc chuẩn bị đồ cúng lễ kéo dài cả vài ba tháng. Mỗi miếu có 13 áng thờ, mỗi áng thờ phải có một con heo sữa một tháng tuổi và một mâm cúng với 20 phẩm vị.
Riêng ở phủ Kiên Thái Vương, đến ngày giỗ ba vua Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi, vua Khải Định cùng các quan thượng thư và quan các bộ trong cung phải đi xe kéo đến phủ làm lễ. Lễ phẩm cúng cũng đầy đủ như cúng tại các miếu trong Hoàng thành. Đến thời vua Bảo Đại thì vua đi xe hơi đến phủ làm lễ. Cúng một vua thì phải đơm đồ cúng đủ phẩm vị cho các áng thờ vua còn lại, quy tắc đó vẫn được bà Dinh giữ đến giờ.
Ngày bà Dinh dọn về ở phủ Kiên Thái Vương, hương án các vua bụi, mạng nhện bám đầy. Bà vội quét dọn, lo lắng bởi thấy mình như có lỗi. Từ đó, mỗi sớm và khi chiều tà, bà đều ra thắp hương cho năm áng thờ, đến ngày giỗ các vua thì làm lễ cúng. “Mình phục vụ vì lòng kính mến nên việc hương khói mỗi ngày tuyệt đối không dám quên”, bà Dinh tâm sự. Nhiều khi đau ốm, bà vẫn gượng dậy ra thắp hương cho các vua rồi mới yên lòng vào trong nhà dưỡng bệnh.
Kêu con trai Nguyễn Như Trị lau bài vị cho các vua, bà Dinh bảo ngày trước còn khỏe thì đây là công việc của bà, nhưng nay lưng đã còng, bàn thờ đều đặt ở trên cao đến hết tầm tay với nên bà phải nhờ con trai giúp. “Nhà được hai đứa con thì con trai thứ sang Pháp lập nghiệp rồi mất luôn bên đó. Giờ tôi ở với con trai cả, được cái con cháu có hiếu lắm”, bà Dinh chia sẻ.
Bà Dinh đang thắp hương cho vua Bảo Đại (ảnh trước) và hoàng tử Bảo Long (ảnh sau). Ảnh: Văn Nguyễn. |
Bà Dinh bảo trong 5 vị vua đang thờ tại phủ, bà thương nhất cựu hoàng Bảo Đại. Ông vẫn có tiếng là ham chơi, mê sắc đẹp nhưng cuối đời lại phải sống trong sự cô đơn nơi đất khách. Cũng chính vì thương ông mà bà Dinh đứng ra lo liệu việc hương khói cho vua, hoàng tử Bảo Long và mới đây là thứ phi Mộng Điệp.
Mỗi lần tổ chức lễ giỗ cho các vua, bà đều mời con cháu của dòng họ Nguyễn Phước đến dự, rồi mâm cỗ thịnh soạn. Số tiền để lo công việc chủ yếu nhờ đến con cháu vua Bảo Đại ở bên Pháp gửi về và bốn đứa cháu nội của bà Dinh.
Cuộc đời bà Dinh không mấy suôn sẻ. Lấy chồng cũng là một người phục vụ trong triều đình nhà Nguyễn, khi cách mạng Tháng Tám thành công, chồng bà Dinh theo cách mạng rồi tập kết ra Bắc. 30 năm sau ông đưa hai người con về và nói đó là con với bà vợ hai. Bà Dinh buồn lắm.
Sống ly thân nhưng cái tình vợ chồng như đã ngấm vào máu bà. Nay dù bước chân đã chậm nhưng cứ tuần một lần, bà lại nấu cơm mang sang cho ông ở đàn tế Xã tắc trong kinh thành. Mỗi lần đi qua cửa Ngọ Môn, bà ngước mắt nhìn, khẽ cúi đầu chào như để tưởng nhớ đến triều đại phong kiến cuối cùng của dòng tộc mình.
Đứng bên áng thờ các vua, bà Dinh nói về tâm nguyện của mình: “Ngày nào tui cũng dặn con trai rằng nếu một ngày mẹ về với thế giới của người hiền, con hãy thay mẹ lo hương khói cho các vua, để các ngài khỏi lạnh lẽo!”.
Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân nhận xét tấm lòng của bà Lê Thị Dinh thật đáng quý. Bà là một trong số ít những người phục vụ trong cung đình, đặc biệt là lo liệu cho bà Từ Cung cho đến những ngày cuối đời. "Nhờ bà mà áng thờ của năm vị vua ở phủ Kiên Thái Vương lúc nào cũng được hương khói đầy đủ”, ông Xuân nói.
Theo Văn Nguyễn (VNE)