Mỹ đổ bộ vào... Cannes 2012

Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 65 đã mở màn bốn ngày và sẽ kết thúc vào ngày 27-5. Mặc dù trong 22 phim tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes năm nay điện ảnh Mỹ chỉ có năm phim nhưng từ trước lễ khai mạc đến thời điểm hiện tại, nền điện ảnh được nhắc nhiều ở Cannes vẫn là điện ảnh Mỹ chứ không phải một đại diện châu Âu hay châu Á nào.

Tràn ngập phim Mỹ

Từ việc nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Marilyn Monroe (1962-2012), LHP Cannes lần thứ 65 chọn Marilyn Monroe làm gương mặt cho Cannes, đến những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất từ trước khai mạc LHP Cannes vẫn là những cái tên đại diện cho điện ảnh Hollywood: Nicole Kidman, cặp đôi Brad Pitt - Angelina Jolie, Sean Penn, hai ngôi sao loạt phim Chạng vạng là Robert Pattison và Kristen Stewart… Rồi bộ phim được chọn chiếu mở màn LHP Cannes lần thứ 65 này cũng là một bộ phim của Hollywood - Moonrise Kingdom (tạm dịch: Vương quốc trăng lên) cho thấy cuộc đổ bộ khá hùng mạnh của điện ảnh Mỹ vào Cannes.

Moonrise Kingdom mở màn là sự xuất hiện của những thành viên của điện ảnh Mỹ làm nên bộ phim này như đạo diễn Wes Anderson, diễn viên Bruce Willis, Edward Norton, Tilda Swinton.... Không chỉ có đoàn Moonrise Kingdom mà hàng loạt diễn viên điện ảnh của Mỹ có mặt trên thảm đỏ khai mạc Cannes: Jessica Chastain, Jane Fonda, Jada Pinkett, Eva Longoria, Alec Baldwin…

Mỹ đổ bộ vào... Cannes 2012 ảnh 1

Những bộ phim này đang được đánh giá khá cao cho giải thưởng Cành cọ vàng tại Cannes.

Dù không nhiều phim tranh giải, điện ảnh Mỹ vẫn xuất hiện tràn ngập ở Cannes không chỉ cho thấy sự lớn mạnh, thắng thế của điện ảnh Mỹ với một trong những sự kiện điện ảnh hàng đầu thế giới này mà còn cho thấy sức hút của các ngôi sao điện ảnh Mỹ. Mặt khác, dường như LHP Cannes đang có xu hướng Hollywood hóa bởi những gì ấn tượng nhất ở Cannes hầu như đều được mang lại từ điện ảnh Hollywood.

Dĩ nhiên bên cạnh đó còn nhiều lý do khác mà các nền điện ảnh khác không nhiều phim có mặt ở Cannes. Như nền điện ảnh của các quốc gia châu Âu không thể có nhiều phim đặc sắc khi kinh tế châu Âu đang rơi vào khủng hoảng, các khoản tiền tài trợ cho điện ảnh, văn hóa đều bị cắt giảm. Như điện ảnh Ý trong năm 2011 do kinh tế suy thoái không có nhiều phim phát hành, chưa kể đến trong năm 2012, chính sách chung của chính phủ Ý là cắt phần tài trợ cho các dự án làm phim. Hay với điện ảnh Anh thì những phim của các nhà làm phim độc lập thường được chọn tham dự các kỳ liên hoan phim, giải thưởng điện ảnh… lại rất khó tìm ra tài trợ. Đáng chú ý là Hội đồng Phim quốc gia Anh (UK Film Council - một cơ quan thuộc chính phủ, thường tài trợ cho các dự án phim độc lập như từng tài trợ cho bộ phim đoạt Oscar 2011 - The King’s Speech) lại giải tán.

Cannes cũ kỹ và thú vị

Trong 22 phim tranh Cành cọ vàng ngoài năm phim Mỹ thì 17 phim còn lại đến từ khá nhiều quốc gia: Pháp, Áo, Đức, Rumani, Đan Mạch, Anh, Ý, Mexico, Hàn Quốc, Ai Cập. Thoáng qua có thể thấy sự đa dạng của nhiều nền điện ảnh mới tham gia Cannes nhưng thực tế lại không như vậy… Một điểm rất đặc biệt tại Cannes năm nay chính là sự trở lại của những tên tuổi gạo cội quen thuộc từng giành giải tại nhiều LHP Cannes trước đó.

Trong 22 phim có đến chín phim mà đạo diễn là những người từng nhận Cành cọ vàng hoặc giải thưởng lớn của ban giám khảo trong những kỳ Cannes trước. Có thể kể tên đó là: Đạo diễn Abbas Kiarostami, người từng đoạt Cành cọ vàng 1997, xuất hiện tại Cannes lần này với Like Someone in Love; đạo diễn Ken Loach từng giành Cành cọ vàng 2006 tiếp tục đến Cannes 2012 với phim The angel’s share.

Hay những đạo diễn từng được giải thưởng lớn của ban giám khảo LHP Cannes những mùa trước như: Đạo diễn David Cronenberg, đạo diễn Jacques Audiard, đạo diễn Alain Resnais, đạo diễn Matteo Garrone và đạo diễn Thomas Vinterberg năm nay xuất hiện ở Cannes.

Sự trở lại này có thể làm nên một Cannes thú vị bởi những tên tuổi cũ này sẽ mang đến những bộ phim hay như họ đã từng làm tại những mùa LHP trước.

Đa dạng phim chuyển thể từ văn học

Trong 20 phim tranh Cành cọ vàng tại LHP Cannes lần thứ 65 có đến năm phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học: Bộ phim On the Road được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jack Kerouac (Mỹ); bộ phim Cosmopolis cũng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Don DeLillo (Mỹ); bộ phim Rust and Bone chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Craig Davidson (Canada); bộ phim The Paperboy dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pete Dexter (Mỹ) và bộ phim Lawless được chuyển thể từ tiểu thuyết The Wettest County in the World của tác giả Matt Bondurant (Mỹ).

NAM THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm