Phạt nửa triệu đồng nếu cô dâu mặc... váy cưới!

Bài 1: Mặc váy cưới mà nơm nớp sợ bị... “bắt quả tang”

Chủ tịch UBND cã Nguyễn Văn Quyết.
Chủ tịch UBND cã Nguyễn Văn Quyết.

Cứ phải tận mắt chứng kiến cái cảnh các cô dâu ở Trung Chính “làm ảo thuật” thay váy cưới trên xe ô tô để “lách luật”, hay cái vẻ thiếu tự nhiên, đối phó thay vì tươi cười trong bộ váy cưới trước khi bước lên xe hoa vì sợ bị bắt phạt mới thấy hết cái sự oái oăm của “điều luật” mà chính quyền xã này đã ban hành từ hơn 2 năm nay: cấm cô dâu mặc váy cưới.

Thích cũng không được... mặc váy

Cách Hà Nội chừng hơn 50 cây số, Trung Chính vốn được tiếng lâu nay về cái khoản người dân quán triệt và chấp hành những quy định của địa phương ban hành. Phàm cái gì đã được chính quyền “đóng dấu đỏ”, là họ răm rắp tuân theo.

Thế nhưng chính cái sự “thuần tính” ấy mà người dân nơi đây đang phải chấp hành cả những “luật” định... tréo ngoe, khôi hài và cũng từ đây, có đến 1001 câu chuyện cười ra nước mắt. Chuyện là, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, tân gia do UBND xã Trung Chính ban hành từ 15.2.2006 có một gạch đầu dòng rất... không bình thường: “Cấm cô dâu mặc váy cưới”.

Đối chiếu với Quy định chính (UBND xã Trung Chính ban hành ngày 24.1.2006) thì gạch đầu dòng này được UBND xã coi là hướng dẫn chi tiết hơn cho nội dung: “Trang phục cô dâu chú rể phù hợp với phong tục VN, cô dâu mặc áo dài tân thời, chú rể mặc sơ vin hoặc comple”.

Ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quyết hoan hỉ: “Quy định này đã được chúng tôi triển khai hơn hai năm rồi, ổn lắm, ổn lắm. Dân rất hoan nghênh, vừa hợp thuần phong mỹ tục lại vừa tiết kiệm”. Rồi ông hạ giọng: “Thật ra cũng có một số gia đình cán bộ chức quyền, hoặc có con cái đi nước ngoài là cũng “khoái” cái “món” váy cưới này lắm.

Nhưng quy định là quy định, mọi người đều phải chấp hành. Thậm chí có những cô dâu trẻ còn chấp nhận chịu phạt để được mặc váy, nhưng còn làng xóm, chính quyền nhìn vào nữa, vậy nên họ lại nghiêm túc chấp hành. Mấy năm rồi chúng tôi đã phải phạt đám nào đâu!”.

Mùa cưới, chẳng khó để chúng tôi được tận mục sở thị cảnh tượng của những ngày vui ở vùng quê chiêm trũng này. Cứ phải tận mắt nhìn thấy cái cách buộc phải chấp hành “luật” của các cô dâu chú rể ở Trung Chính mới thấy cái quy định “độc nhất vô nhị” này thật không bình thường và oái oăm.

Không mấy tin tưởng những lời khẳng định như đinh đóng cột về tình hình chấp hành “luật” của ông Chủ tịch xã, chúng tôi quyết định... thâm nhập thực tế. Điểm đến là đám cưới của gia đình ông L.Th. đúng vào lúc con gái ông- cô dâu L.T. đang chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng ở Sài Đồng (Gia Lâm, Hà Nội) vào chiều ngày 26.2.2008.

Không có nhiều thời gian để được tự do xúng xính trong bộ đầm ngày cưới, cái kiểu buộc phải nói nhanh, cười nhanh, đi nhanh, chụp ảnh nhanh và lên xe hoa cũng... rất nhanh của L.T. là tác phong thường thấy của những cô dâu ở vùng quê này nếu muốn được “diện” chiếc váy cưới về nhà chồng. Không nhanh, họ sợ bị “bắt quả tang”, rồi bắt phạt. Lạ lùng thay, cái lẽ thường tình là quyền được lựa chọn để trở thành những cô dâu xinh đẹp trong bộ váy cưới duyên dáng ở xã Trung Chính này lại bị xem là phạm “luật”.

Ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quyết “thuyết phục” mấy cô dâu trẻ thế này: “Để 500 ngàn thuê váy cưới mà may lấy một bộ áo dài, mặc xong còn giữ làm kỷ niệm. Mấy đứa có đi du học nước ngoài thì về địa phương cũng phải tôn trọng và chấp hành quy định của xã. Với lại, “báu” gì cái váy cưới, loè xoè không khéo lại vấp ngã, gãy tay gãy chân như chơi!!!”.

Cũng theo ông Quyết thì để triệt để buộc người dân chấp hành điều "luật" này, xã Trung Chính còn ban hành một quy định khác: mỗi gia đình có đám cưới phải “đặt cọc” 500 ngàn, nếu vi phạm số tiền đó sẽ bị tịch thu. 500 ngàn với những người dân ở vùng quê này quả là một số tiền không nhỏ, thế nên nó cũng đã khiến nhiều gia đình không dám phạm "luật" hay phải tìm mọi cách để “lách luật”.

1001 kiểu “lách luật” để... mặc váy (!)

Gần gia đình cô dâu L.T, thấy chúng tôi loay hoay chụp ảnh, rồi dò hỏi sao cô dâu hôm nay lại “dám” mặc váy cưới, ngỡ rằng chúng tôi thuộc đội ngũ "cộng tác viên" của chính quyền xã, người nhà cô dâu thanh minh: “Suốt hôm qua và sáng nay, nó (cô dâu L.T) chỉ mặc áo dài thôi, trước khi đón dâu mới dám thay váy, mặc vội một lúc để còn về ra mắt nhà chồng”.

Cửu hàng áo cưới nằm cách UBND xã Trung Chính chưa đầy ...10 mét.
Cửu hàng áo cưới nằm cách UBND xã Trung Chính chưa đầy ...10 mét.

Bố cô dâu, ông T.Th. ngao ngán thở dài: “Không lẽ để con bé ăn mặc đơn giản quá, nhà chồng nó không thích. Mà tránh để không mang tiếng là coi thường lệ làng phép xã thì đành phải “lách luật” vậy thôi”.

Cũng từ cái váy bị cấm ấy mà người dân ở Trung Chính còn chứng kiến bao câu chuyện dở khóc dở cười khác. Chỉ cách UBND xã chưa đầy chục mét đường, một cửa hàng cho thuê áo cưới tọa lạc như thêm một nghịch lý khôi hài. Chủ cửa hàng, người từng tiếp xúc với rất nhiều cô dâu ở Trung Chính bức xúc: “Sao lại có kiểu cấm lạ lùng. Cấm mà chẳng thuận lòng dân, để dân không những không tiết kiệm được mà còn thêm tốn kém”.

Hỏi sao kỳ vậy, chị cho hay, kể từ ngày có cái quy định này, cửa hàng áo cưới của chị không những chẳng giảm doanh thu mà trái lại còn có thêm khoản tiền cho thuê áo dài. Nếu cô dâu chú rể đều là người trong xã thì việc chấp hành “luật” đã đi một nhẽ.

Nhưng với những cô dâu lấy chồng xa, muốn mặc váy cưới ra mắt nhà chồng mà lại không dám phạm “luật”, cách tốt nhất là đành thuê “đúp” cả áo dài lẫn váy. Trên địa phận xã, cô dâu vẫn mặc áo dài. Ra khỏi địa giới hành chính xã, cô dâu lập tức... thay váy, thậm chí thay ngay trên xe ô tô.

Chuyện thật như bịa, nhưng lại xảy ra rất phổ biến ở xã Trung Chính trong suốt hơn hai năm qua. Nhập gia thì phải tuỳ tục, những cô dâu đến từ các địa phương khác cũng vậy, họ phải nghiêm túc chấp hành cái “luật xã” này một cách... cực chẳng đã. Bộ váy cưới dù có hoành tráng và đáng yêu thế nào, cũng chỉ được xúng xính cho đến trước địa phận xã này. Cảnh tượng các đám cưới đón dâu từ xa phải dừng lại giữa đường chờ cô dâu chuyển từ váy sang áo dài để được... đàng hoàng bước chân vào xã cũng không hiếm thấy.

Đem những câu chuyện cười ra nước mắt ấy hỏi Chủ tịch xã, ông Quyết trả lời: “Chúng tôi chỉ quản lý các đám cưới trên địa bàn xã, còn ra khỏi xã mà cố tình thay váy ngay trên ô tô thì nghĩa là đã ra khỏi tầm quản lý của chúng tôi rồi, đành chịu thôi!”. “Vậy ông có thấy sự tồn tại của cửa hàng cho thuê áo cưới ngay ở trung tâm xã là mâu thuẫn với điều cấm của xã không?”. “Váy cưới ở đó chỉ cho dân xã khác thuê hoặc để phục vụ chụp ảnh viện kỷ niệm thôi.

Chúng tôi không cấm những cái đó”. “Người dân “lách luật” để tránh bị phạt, các ông có thấy quy định của mình không bình thường?”. “Kể từ khi triển khai quy định này chúng tôi có nhận được ý kiến phản đối nào của người dân đâu. Tất cả đều chấp hành tốt, rất tốt...”.

ANH THU - DIỄM HƯƠNG - (Theo Văn hóa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm