Vợ liệt sĩ viết nhật ký chờ chồng

Cụ Hà Thị Tính (72 tuổi), trú tại khối 2, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An, nguyên là chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh rơm rớm nước mắt kể chuyện đời mình.

10 năm, chung sống 80 ngày

“Từ lúc cưới nhau tới lúc hy sinh hơn 10 năm trời nhưng anh chỉ sống bên tui vỏn vẹn có 80 ngày. Những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời tui là những ngày anh được nghỉ phép. Nhưng niềm vui đâu trọn vẹn, vì nhiệm vụ anh lại đi trước phép năm, bảy ngày. Sau cùng, anh đi biền biệt hơn 40 năm trời”. Cụ Tính sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố và các anh cụ đều theo Đảng từ những ngày trứng nước. Bố bị địch bắt rồi kết án tử hình, hai anh cũng lần lượt hy sinh. 14 tuổi, cụ theo gót cha, anh tham gia cách mạng. đến năm 20 tuổi, cụ là phụ nữ đầu tiên giữ chức chủ tịch xã Xuân An (nay là thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Chồng cụ là ông Trần Văn Minh, 16 tuổi đã tình nguyện đi bộ đội. Đến năm 1957, trong một lần ông Minh nghỉ phép, hai người đã nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới vài ngày, ông phải trở lại mặt trận. Đến năm 1961, ông về nghỉ phép bốn ngày. Hai năm sau, ông được về phép lần nữa. “Trước lúc anh đi, tui làm cho anh ấy một hộp thức ăn và dặn “chút quà mọn, các anh ráng ăn để phục vụ cho cách mạng”. Anh còn cười mà bảo: “Thức ăn em làm dù là sỏi đá nấu lên thì với bọn anh đó cũng là sơn hào hải vị”. Rồi anh đi, đằng đẵng, mỏi mòn...”.

“Khi anh mất, con gái đầu của tui tên Loan mới bảy tuổi, đứa thứ hai tên Nhung năm tuổi và đứa thứ ba tên Sơn mới hai tuổi, bị dị tật, đau ốm triền miên (anh Sơn mất năm 2009 - TG). Cưới nhau hơn 10 năm nhưng tính ra chúng tôi chỉ bên nhau đúng hai tháng 20 ngày” - cụ Tính tâm sự.

Vợ liệt sĩ viết nhật ký chờ chồng ảnh 1

Suốt mấy chục năm nay, cụ gửi gắm cả tâm hồn vào trong cuốn nhật ký.

Nhận giấy báo tử vẫn không tin…

Ngay sau khi nhận được giấy báo tử năm 1967, cụ bắt đầu viết nhật ký cho chồng. Hơn 40 năm nay, cụ đã viết cả ngàn trang nhật ký đẫm nước mắt, trong đó trào lên lớp lớp tâm tư của một người vợ thương nhớ chồng, một người mẹ nuôi con tật nguyền đầy gian khổ nhưng vẫn âm thầm tham gia cách mạng. Những thao thức, đợi chờ trong vô vọng suốt bấy năm trường được ký gửi qua từng trang nhật ký. Giữa miên man cõi lòng có một chút trách móc, tủi hờn rất người “Cuộc đời anh, tuy thương vợ, thương con nhưng vợ con chỉ có một phần bé nhỏ trong trái tim anh. Anh đã từng nói với em: “Trong chiến đấu, trước mắt anh là nhân dân và kẻ thù”. Như vậy, cuộc đời anh, anh trọn vẹn với nhân dân, còn em và con anh bỏ lại”…

Và đầy buốt nhói, tái tê: “Anh ạ! Sao anh lại rời bỏ mẹ con em trong một chiều đông lạnh giá. Chiều đông miền Trung buồn da diết làm em càng rối cả ruột gan. Anh đi rồi căn nhà càng trở nên quá rộng…”

Cụ vừa lần lại nhật ký vừa nức nở: “Hôm chồng tui hy sinh, như linh tính trước nên cả đêm đó tui không ngủ được. Tui như có lửa đốt ở tim gan. Sau đó, ông Trí, phó ty phụ trách tìm đến động viên: “Tính cố gắng sống với Đảng, với tập thể. Minh hy sinh rồi”. Lúc đó tui mới hay tin anh mất”.

Dẫu vậy, cụ vẫn hy vọng và viết trong nhật ký. “Em nhận được tờ giấy báo tử ngày 4-8-1967 nhưng em vẫn còn một tia hy vọng là anh vẫn còn sống. Anh đi tuyến Thái Lan! Đi tuyến Thái Lan thời đó Đảng ta vẫn còn giữ bí mật. Có những hoàn cảnh phải báo tử sống để mà hoạt động…”. Có những trang nhật ký cụ đã dán kín lại rồi chú thích đằng sau “Khi nào mẹ mất, bố chưa về, các con mới được mở ra”.

Sau năm 1975, cụ sang Thái, đi bộ hàng chục ngày trời và đã tìm được mộ chồng nằm bên bờ sông Mê Kông trầm vĩ. Hạnh phúc của cụ giờ đây là những khoảnh khắc được sống với cuốn nhật ký. Chính cuốn nhật ký, cái thế giới thăm thẳm, thiêng liêng ấy là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cụ vượt qua những nỗi đau thể xác và tâm hồn ở một người phụ nữ kiên cường vốn chưa bao giờ nguôi ngoai niềm tin vào một ngày trở về của người chồng.

Tri ân đồng đội

“Đồng chí Hà Thị Tính vốn là một dược sĩ, nguyên là chủ tịch đầu tiên của thị trấn Xuân An. Cụ là một cán bộ, một công dân gương mẫu. Đã nhiều năm nay, cứ ở đâu có cầu siêu là cụ cố gắng tìm đến. Bởi cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ cũng là lúc cụ tri ân đồng đội, chồng, cha và các anh đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến.”

Ông Phan Duy Khương, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm