Vẫn rối vụ chim yến ‘ị’ nóc nhà hàng xóm

Mới đây Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh ba hộ dân liền kề ở khu chợ mới xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre khiếu nại hộ ông Lê Văn Minh nuôi chim yến gây tiếng ồn và ô nhiễm. Ba hộ này đã gắn loa phát ra những tiếng chim “lạ” để đuổi chim yến nên bị ông Minh khiếu nại. Chính quyền xã “bó tay” trong việc giải quyết mâu thuẫn khá hy hữu này nên đã chuyển hồ sơ lên huyện. Nhưng đến nay các cơ quan của huyện Ba Tri cũng chưa thể giải quyết dứt điểm vụ việc.

Hàng xóm từng giúp đỡ ông Minh nuôi yến

Số là giữa năm 2017, ông Minh cải tạo căn nhà đang ở để làm nhà nuôi yến. Lúc đầu, một hộ liền kề còn cho nhờ nóc nhà của mình để ông Minh vận chuyển vật tư trong quá trình làm nhà nuôi yến. Nhưng khi nhà nuôi yến của ông Minh hoạt động được vài tháng thì ba hộ liền kề gửi đơn đến UBND xã An Hiệp khiếu nại việc chim yến ỉa trên nóc nhà, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ. Ngoài ra, ông Minh gắn máy phát loa rỉ rả suốt ngày để dụ chim yến về gây tiếng ồn xung quanh…

UBND xã An Hiệp hai lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Ông Minh cho rằng chim yến không ỉa phân khi bay bên ngoài mà chỉ đậu trong nhà yến mới ỉa. Do đó phân trên nóc nhà của các hộ thưa ông không phải phân của chim yến. Còn tiếng loa thu hút chim yến thì âm thanh như tiếng chim kêu trên bầu trời, không ảnh hưởng gì lớn. UBND xã phải đề nghị Phòng TN&MT huyện về đo tiếng ồn và lấy phân chim, nước mưa về phân tích. Kết quả tiếng ồn của loa phát tiếng chim yến được kết luận trong ngưỡng cho phép, còn kết quả thử phân chim và nước mưa thì chưa có.

Từ đó UBND xã tích cực vận động hòa giải theo hướng nếu ông Minh tiếp tục nuôi chim yến thì hỗ trợ ba hộ tiền mua nước sinh hoạt (ông Minh đồng ý hỗ trợ mỗi hộ 400.000 đồng/năm). Nhưng các hộ không chịu mà yêu cầu ông Minh phải ngừng ngay việc nuôi chim yến. Hòa giải không thành, mỗi hộ về lắp loa phát ra các tiếng chim lạ như đại bàng, chim heo, chim cú mèo, tắc kè, bìm bịp… để đuổi chim yến. Lúc này đến lượt ông Minh khiếu nại vì những âm thanh này đã làm chim yến hoảng sợ không dám về tổ, gây thiệt hại kinh tế. UBND xã lại mời tất cả đến hòa giải nhưng vẫn không thành nên chuyển hồ sơ lên UBND huyện giải quyết.

Loa dẫn dụ chim yến của nhà ông Minh và loa phát tiếng chim lạ của nhà hàng xóm. Ảnh: THU GIANG

Hòa giải không thành

Ngày 28-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quốc Khánh (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri) nói: “Nghề nuôi chim yến ở Ba Tri chưa phát triển, chỉ có vài hộ nuôi tự phát gần phía biển. Còn nuôi tự phát trong khu dân cư thì chỉ duy nhất hộ ông Minh, tuy nhiên ông Minh không khai báo với Phòng Nông nghiệp huyện. Về phía huyện cũng không cấp phép cho ông Minh nuôi chim yến trong khu dân cư”.

Cùng ngày, ông Lê Quang Hạnh (Trưởng phòng TN&MT huyện Ba Tri) cho biết vụ việc này đã được UBND huyện giao cho Phòng NN&PTNT huyện phối hợp cùng Phòng TN&MT huyện giải quyết.

Cụ thể, Phòng TN&MT huyện đã hai lần mời hai bên đến để tìm hướng giải quyết. Phía ông Minh luôn có mặt nhưng ba hộ hàng xóm của ông Minh thì không hiểu lý do gì đều không đến. “Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức mời hai bên đến hòa giải lần thứ ba để giải quyết cho ổn thỏa vụ việc. Còn nếu bên hàng xóm của ông Minh không có thiện chí đến hòa giải lần thứ ba thì ngành huyện cũng bó tay, chỉ còn cách báo cáo về UBND huyện yêu cầu chỉ đạo giải quyết” - ông Hạnh nói.

Trả lời PV về lý do không lên huyện để huyện hòa giải, ba hộ cho biết vì trước đây ở xã hòa giải rất nhiều lần đều có cán bộ của Phòng NN&PTNT và Phòng TN&MT huyện tham gia. “Lần này huyện mời chúng tôi lên giải quyết thì cũng chỉ trong vòng luẩn quẩn như xã hòa giải trước đây không thành nên chúng tôi không muốn mất thời gian thêm nữa” - đại diện một hộ dân cho biết.

Theo ghi nhận của PV, vì chưa tìm được tiếng nói chung nên hiện “cuộc chiến” âm thanh giữa hai bên vẫn tiếp diễn. Tiếng máy dẫn dụ chim yến phía nhà ông Minh vẫn kêu rỉ rả suốt ngày đêm, còn trên nóc nhà ba hộ hàng xóm của ông Minh thì tiếng đại bàng, cú mèo, tắc kè… cũng xen lẫn inh ỏi.

Không hòa giải được thì kiện ra tòa

Nhiều chuyên gia cho rằng việc nuôi chim yến trong khu dân cư phải tuân thủ quy định tại Thông tư 35/2013 của Bộ NN&PTNT. Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế cấp huyện. Việc nuôi yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc nằm trong vùng được phép nuôi yến, được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Trong khi theo tìm hiểu, tại tỉnh Bến Tre chưa có vùng nào được quy hoạch để nuôi chim yến, đa phần người dân nuôi tự phát.

Về việc giải quyết mâu thuẫn giữa các hộ dân, nếu chính quyền không hòa giải được thì có thể hướng dẫn các bên khởi kiện ra TAND cấp huyện. Lúc này trách nhiệm chứng minh yêu cầu khởi kiện thuộc các bên đương sự. Nếu bên nào chứng minh được thì tòa án sẽ lấy đó làm cơ sở để xem xét giải quyết vụ kiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm