Khi người vợ hoặc người chồng nộp đơn ly hôn và tòa án đã thụ lý. Trường hợp người chồng hoặc vợ không đến tòa án để tham gia xét xử thì tòa án vẫn xử cho họ ly hôn đơn phương đúng không?
Nguyễn Hoàng Hùng (hungnguyen71.hcm@gmail.com)
Phạm Thị Loan Thu (thuloan_saudong79@yahoo.com.vn)
Luật sư PHẠM ĐÌNH HƯNG, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Á Châu trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Việc ly hôn được thực hiện tại tòa án có thẩm quyền theo một trong hai thủ tục đó là thuận tình ly hôn hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên (có thể gọi là đơn phương ly hôn).
Theo Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) thì trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên, nếu tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất thì đương sự (vợ, chồng) phải có mặt tại phiên tòa, nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người vắng mặt có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Nếu tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai thì đương sự (vợ, chồng) phải có mặt tại phiên tòa trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì tòa án sẽ xem xét giải quyết như sau:
- Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện nếu người vắng mặt là nguyên đơn.
- Tòa án sẽ xét xử vắng mặt nếu như người vắng mặt là bị đơn.
Như vậy, các bạn có thể tham khảo quy định pháp luật liên quan việc ly hôn ở trên để áp dụng vào trường hợp bạn hỏi.