Ngày 28-3, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển Hoa Kỳ (USAID) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 14 năm trôi qua, PCI được đánh giá là một bộ chỉ số thúc đẩy cải cách “từ dưới lên” khi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với sự vận hành bộ máy hành chính được ghi nhận ngày càng đa dạng hơn. Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến tỏ ra chưa đồng tình hoặc nghi ngại tính chính xác của PCI.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc chương trình PCI, xung quanh câu chuyện này.
Nhiều đơn vị sử dụng chỉ số PCI
. Phóng viên: Chúc mừng PCI đã trải qua 14 năm nhiều thăng trầm. Thưa ông, ý nghĩa quan trọng nhất của PCI trong quá trình cải cách là gì?
+ Ông Đậu Anh Tuấn: ý nghĩa quan trọng nhất của PCI là giúp chuyển tải tiếng nói của DN lên các cơ quan nhà nước có liên quan. Họ đang gặp khó khăn gì, họ kiến nghị gì, họ mong muốn gì… thì những công cụ như PCI giúp góp phần phản ánh được điều này. Từng DN tư nhân một thật khó có thể phản ánh trực tiếp những vướng mắc của mình cho lãnh đạo các tỉnh, các cơ quan liên quan trong tỉnh.
. Sự quan tâm của mọi giới, kể cả các cấp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, như tôi biết cũng biến chuyển theo thời gian. Vậy những năm gần đây, PCI được quan tâm ra sao?
+ Theo quan sát của chúng tôi thì PCI được sử dụng khá rộng rãi. Các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư sử dụng để tham khảo khi tìm hiểu cơ hội đầu tư của mình. Thậm chí có nhiều tập đoàn, công ty tham khảo dữ liệu PCI để lập kế hoạch kinh doanh.
Tôi khá bất ngờ khi trong một buổi gặp đại diện Tập đoàn Coca-Cola thì họ cho biết đã sử dụng dữ liệu PCI trong ba năm qua cho kế hoạch mở rộng mạng lưới kinh doanh và phân phối sản phẩm mới của mình.
hiện lãnh đạo nhiều tỉnh, TP đã sử dụng PCI để tạo sức ép cải cách xuống bên dưới. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên sử dụng PCI khi làm việc với các tỉnh, TP.
Cùng một chính sách, nơi làm tốt nơi thì không
. một số ý kiến phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM cho rằng một số chỉ số của PCI có vẻ chưa phù hợp, chẳng hạn chỉ số về tiếp cận đất đai. Vì chính sách về đất đai là chính sách chung, cả nước phải làm như vậy, họ không thể làm khác?
+ Đúng là chính sách đất đai là chung của cả nước, các thuận lợi hay bất cập về chính sách đất đai cũng giống nhau ở tất cả tỉnh, TP.
Nhưng trên thực tế thì tại sao ở một số tỉnh, TP, tỉ lệ DN gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai rất cao, còn một số tỉnh lại thấp hơn? Tại sao DN tư nhân khi mong muốn mở rộng mặt bằng, tìm quỹ đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh tại một số địa phương lại thuận lợi hơn các địa phương khác? Tại sao nhiều nơi họ không lo lắng việc thay đổi quy hoạch liên tục, bị thu hồi không được bồi thường thỏa đáng khiến họ chưa yên tâm đầu tư kinh doanh…
Đây là những lĩnh vực thuộc vai trò, chức năng của chính quyền cấp tỉnh, cũng là nội dung mà PCI đo đếm, đánh giá.
. Một số địa phương cũng cho rằng việc xếp hạng chỉ số đất đai với các tỉnh dường như chưa phản ánh đúng thực tế khi những sai phạm về đất đai cũng đang làm cho nhiều tỉnh… chùn tay?
+ Trong hệ thống chỉ số đánh giá về đất đai, chúng tôi đánh giá nhiều vấn đề. Ví dụ, DN có đất nhưng họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không? Thủ tục cấp giấy chứng nhận này có thuận lợi không? DN muốn mở rộng mặt bằng kinh doanh có gặp trở ngại nào không? Quỹ đất sạch có sẵn hay không? Việc cung cấp thông tin về đất đai ra sao? Thay đổi khung giá đất có phù hợp không? DN có yên tâm sử dụng đất, có sợ rủi ro thu hồi hay không?...
Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi đầu trong bảng xếp hạng chỉ số PCI. Trong ảnh: Hành khách đang làm thủ tục tại sân bay quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: TL
Những lĩnh vực này, nếu thực hiện tốt, theo tôi không liên quan gì đến rủi ro hay trách nhiệm của các cơ quan chính quyền hay tương tự với những sai phạm đất đai xảy ra vừa rồi ở nhiều địa phương.
. Cũng có ý kiến còn phân vân về chỉ số tham nhũng, rồi tình trạng tham nhũng vặt. Thậm chí có những tỉnh, thành, tình hình tham nhũng được báo chí và các cơ quan chức năng nói nhiều nhưng chỉ số lại cao?
+ Điều tra PCI là một điều tra xã hội học diện rộng, nó cung cấp thông tin từ thực tiễn. Vấn đề tham nhũng ở đây là trong tương tác về thủ tục hành chính giữa DN và chính quyền, chứ PCI không đo lường toàn bộ các vấn đề tham nhũng.
Từ dữ liệu của chúng tôi về chỉ số chi phí không chính thức cho thấy một số vùng thường có vấn đề chi phí không chính thức tương đối tốt như nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại, các TP lớn trực thuộc trung ương thì chỉ số này lại thường rất thấp, nằm nhóm sau cả nước.
Đồng Tháp đã tạo lập được hình ảnh chính quyền gần gũi
. Có ý kiến lấy Đồng Tháp làm ví dụ. Đồng Tháp những năm gần đây luôn xếp ở tốp 5 về chỉ số CPI nhưng sự phát triển của tỉnh này liệu có tương xứng với thứ hạng cao đó hay không?
+ Đồng Tháp là một tỉnh mà nếu xét về lợi thế đầu tư về vị trí địa lý, về phát triển của cơ sở hạ tầng, về chất lượng lao động, về quy mô thị trường… thì thua kém nhiều địa phương khác. Đây cũng lý giải phần nào cho việc các luồng vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư lớn chưa vào Đồng Tháp.
nhưng Đồng Tháp về chất lượng điều hành lại được các DN tư nhân đánh giá cao, thể hiện trong xếp hạng PCI qua nhiều năm. Theo quan sát của chúng tôi, Đồng Tháp đã tạo lập được hình ảnh chính quyền gần gũi, thân thiện và tính hỗ trợ DN cao. Yếu tố này có thể không thay thế được các yếu tố nói trên nhưng tôi tin rằng nó sẽ bù đắp một phần.
. Ông có thể nói cụ thể hơn?
+ Cách làm của Đồng Tháp, tôi cho rằng là một lựa chọn tuyệt vời. Thay vì đứng yên than trách vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng chưa phát triển… thì tỉnh này đã rất tích cực cải thiện bộ máy hành chính, tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho DN, bù khuyết cho những hạn chế đặc thù mà phải cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để khắc phục.
Đây cũng phần nào được xem là một lợi thế tự tạo lập để thu hút đầu tư. Thực tế dòng vốn đầu tư tư nhân mà Đồng Tháp thu hút được thời gian qua cũng rất ấn tượng.
Ngoài ra, Đồng Tháp đã đưa ra được một số mô hình mới mà đã được nhiều địa phương khác học tập như cà phê doanh nhân, hội quán nông dân…
. Xin cám ơn ông.
Phải giữ được yếu tố minh bạch, độc lập . Theo ông, PCI nên phát triển như thế nào trong thời gian tới để tiếp tục đóng góp cho công cuộc cải cách tại Việt Nam? + Thời gian tới, chúng tôi mong muốn PCI sẽ được sử dụng phổ biến và rộng rãi hơn nữa. Gốc rễ của PCI vẫn là chuyển tải được tiếng nói của DN lên chính quyền. Cho nên định hướng của chúng tôi là cách thức và phương pháp phải hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt phải giữ vững được yếu tố minh bạch và độc lập trong thực hiện. PCI là bộ chỉ số bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự... |