Vì sao bình chữa cháy phát nổ chết người?

Trong lúc sang chiết, đưa chất bột vào bình chữa cháy thì bình phát nổ làm ông N (Phú Yên) tử vong. Tại hiện trường, một bình chữa cháy đã bị nổ tung, phần lớn lưng ông Nam bị nát.

Đây không phải là vụ nổ gây chết người đầu tiên do sang chiết bình bột chữa cháy. Mới năm ngoái, tại TP HCM cũng xảy ra vụ việc tương tự, khiến một công nhân chết tại chỗ.

Cái chết ẩn mình trong bình chữa cháy

Như chúng tôi đã đưa tin, vụ việc đau lòng xảy ra vào lúc 10 giờ cùng ngày tại Tỉnh Phú Yên.  Nhiều người nghe tiếng nổ lớn phát ra từ nhà ông L.P.N ( 53 tuổi, thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên), hốt hoảng chạy đến đến thì thấy ông Nam đã tử vong. Tại hiện trường, một bình chữa cháy đã bị nổ tung, phần lưng ông Nam bị nát.

Nơi ông L.P.N vô bột bình chữa cháy và bình phát nổ. Ảnh: BÌNH MINH

Người dân địa phương cho biết, sau khi sang chiết, đưa chất bột chữa cháy màu trắng vào một bình chữa cháy, ông N đặt ra phía sau lưng. Lúc tiếp tục vô bột cho bình phía trước mặt thì bình sau lưng ông phát nổ.

Thông tin từ một số người dân cho biết thêm người thân của ông Nam nhận vô bột bình chữa cháy rồi đưa về nhà cho ông Nam làm.

Trao đổi với PV Báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ (Cảnh sát PC&CC TP.HCM) ngậm ngùi chia sẻ vào thời điểm gần cuối năm ngoái cũng xảy ra một câu chuyện đau lòng tương tự khiến một thanh niên trẻ tử vong.

Tại hiện trường, Cơ quan cảnh sát điều tra CAQ9 ghi nhận có một bình chữa cháy loại bình bột 8kg bị vỡ bung phần thân bình, 15 bình chữa cháy các loại (bình bột và bình CO2) và 2 bình chữa khí CO2 còn nguyên vẹn. Ngoài ra phát hiện một đường ống dẫn khí từ bình chữa khí CO2 loại cao 1,2m bị đứt thành nhiều đoạn.

“Có hai bình chữa cháy phổ biến hiện nay là bình CO2 và bình bình bột. Nếu bình CO2 là bình khí trực tiếp chữa cháy thì trong bình bột (gồm bột chữa cháy và khí nén), khí nén tạo áp suất đẩy bột chữa cháy ra ngoài. Bởi vậy, với bình bột chữa cháy, có hai nguyên nhân chính khiến bình phát nổ. Một là do vỏ bình, cổ bình… bị hoen rỉ, không đảm bảo. Hai là do nén vượt ngưỡng an toàn khiến bình phát nổ”, Trung tá Lê Mạnh Hà cho biết.

2 điều phải nhớ để hạn chế bình bột phát nổ

Những vụ nổ bình bột chữa cháy do sang chiết trái phép, không đúng quy trình để lại nhiều hệ lụy đau lòng, nhẹ thì bị thương, nặng là chết người. Tuổi thanh xuân của chàng trai trong vụ nổ ở Quận 9 năm ngoái mãi mãi dừng lại ở năm 23 tuổi.

Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trung tá Hà khuyến cáo, trong quá trình sử dụng để phòng ngừa bình bột phát nổ, người dân cần để bình ở nơi thoáng mát, không để nơi nhiệt độ cao, tuyệt đối không được ném bình vào đám cháy.

Ngoài ra, cần kiểm tra định kì, bảo dưỡng thường xuyên để sử dụng, nên bơm nạp sang chiết ở những cơ sở uy tín như Trung tâm thiết bị PCCC 4/10. Trung tâm thuộc Cảnh sát PC&CC TP.HCM với trang thiêt bị đã được kiểm định, có bảo hành, có bảng niêm yết giá cả rõ ràng.

“Trong quá trình sang nạp bình chữa cháy, cần kiểm tra kĩ vỏ bình, cổ bình, van khóa xem có bị han rỉ, hư hỏng không. Nếu thấy không an toàn, phải thay thế ngay. Khi sang nạp bình bột chữa cháy phải có phương tiện dụng cụ sang nạp theo đúng quy định, tối thiểu phải có thiết bị đo kiểm soát áp suât. Với bình cũ nên sang nạp lượng khí ít hơn để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không được sang chiết theo kinh nghiệm, thủ công, cảm tính”, Trung tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới