Trên đường phố, nơi bãi biển nghìn nghịt khách Nga đi bộ, ngắm cảnh, tắm biển phơi nắng. Ở các chợ, siêu thị, cửa hàng cũng thường xuyên thấy khách Nga xách hàng hoá, thực phẩm, hoa quả như người Việt.
Tình hình thế giới biến động, lượng khách Nga đang được dự đoán sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nữa. Ảnh: TL
Nếu như lượng khách nước ngoài phát triển từ từ thì Nha Trang, Phan Thiết đón khách Nga từ năm 2012 tới nay bùng nổ với những con số thật ấn tượng mà không nơi nào ở Việt Nam có được: gần 200.000 lượt khách/ năm, trong đó Nha Trang thuận lợi nhất vì có sân bay quốc tế Cam Ranh. Khách Nga đổ tới đây đầu tiên rồi mới đi tới Phan Thiết vì người Nga xứ lạnh rất thích biển và nắng vàng- điều mà Nha Trang và Phan Thiết có thừa.
Trên đường phố Nha Trang, những chiếc xe buýt có logo Pegar, Anex chạy nườm nượp, trắng xoá. Trong giai đoạn đầu khi khách Nga mới tới nhà, từ giới kinh doanh du lịch lớn - chuyên nghiệp đến tiểu thương ở chợ đều “reo thầm”: “Khách Nga quá dễ tính, đưa cái gì họ cũng thích, giá thế nào cũng mua và mua với số lượng rất lớn!”. Đó là những du khách ở những vùng đất Viễn Đông lạnh giá giàu tài nguyên dầu khí, đến Việt Nam để tránh rét với bọc tiền ruble to sụ. Đấy là thời kỳ vàng mua sắm, khách Nga vẫn thói quen mua hàng bằng niềm tin như ở siêu thị hay định giá rõ ràng vào sản phẩm như thời Liên Xô cũ.
Nhưng rồi theo thời gian, với sự "làm quá" của những người bán hàng ở Việt Nam, với nạn cò lừa, bị các “hướng dẫn viên” ma cô dẫn đi để chém, du kháh Nga dần "tỉnh ngộ". Khách Nga tiếp theo được “lớp trước” truyền đạt kinh nghiệm “mua sắm ở Việt Nam” khi đã bị những vố quá đau. Và thế là lớp du khách mới mới hoàn toàn cảnh giác với “hướng dẫn viên” để tự đi mua sắm.
Người Nga rất thích những sản phẩm nhiệt đới, đặc biệt là hoa quả. Nhưng thoát được “cò” thì những người bán trực tiếp bản địa cũng tiếp tục “chém” ác liệt hơn, hàng trăm cửa hàng “cao cấp Nga” mọc ra để đón, ra chợ trời mua lặt vặt khách Nga cũng được “chăm sóc kỹ” tới mức phát khiếp!
Tới đây chợt nhớ câu chuyện “con gấu và người nông dân” nội dung ai cũng biết, đó là gấu cho thuê đất để cùng chung hưởng sản phẩm. Gấu đòi thu gốc thì người nông dân trồng lúa, thu ngọn thì người trồng củ cải, cà rốt, thu gốc-ngọn thì người trồng ngô... Thực ra đây là trò lừa láu cá của người nông dân với gấu thật thà. Trở lại với du khách Nga bây giờ thì sao ? Giới kinh doanh từ hơn năm qua than: “Khách Nga chỉ xem rồi trả giá tới mức tức cười, không bán được”. Ví dụ quả dừa uống giá 15,000 đồng, họ chỉ trả có 5.000đ đồng, hũ sữa chua giá 3,000 đồng, họ trả .... 1.000 đồng! Còn hàng hoá khác họ chỉ vào siêu thị niêm yết giá chứ bên ngoài nhất định cái gì cũng phải trả tới mức thấp nhất.
Thế mới có cảnh người bán giờ đùa rằng khách Nga đã nhắc lại một thời ra chợ phải trả giá vì sợ hớ. Trong khi người bản địa đi mua hàng từ mớ rau, con cá, hoa quả nơi chợ trời đều không phải trả giá nữa.
Rất tiếc kiểu buôn bán không thật thà thưở đầu của chúng ta đã biến những du khách của xứ sở Bạch Dương phải cảnh giác tới mức thái quá như hiện nay là một điều đáng buồn. Đi du lịch mà không mua sắm thì đó chỉ là du lịch nửa vời. Vậy mà đến Nha Trang, du khách coi mua sắm là sự sợ hãi “trong tiềm thức” thì tiếc làm sao.
Điều tưởng nhỏ này nhưng không phải ai cũng biết, vì đó là cách cư xử của chủ nhà với khách. Thật tinh thế mới nhận ra.