Vì sao ngân hàng ngại cho vay online?

(PLO)- Đến nay, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023. Tại đây, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết: Thực tế các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề dữ liệu không sạch. Có ba nguyên nhân khiến dữ liệu không sạch.

Thứ nhất, do trước đây sử dụng chứng minh nhân dân chữ số - giấy tờ tuỳ thân có thể bị giả tạo khá là dễ dàng. Trong khi đó, với con mắt thường của các giao dịch viên thì rất khó phát hiện ra sự giả mạo, dẫn tới việc có nhiều tài khoản có thể mở được bằng những giấy tờ giả mạo.

Thứ hai, kẻ gian luôn lợi những người vùng sâu vùng xa không hiểu biết về pháp luật để thuê họ để mở tài khoản. Đây là những tài khoản được mở bằng giấy tờ tuỳ thân hoàn toàn hợp lệ và chính chủ, tuy nhiên những tài khoản này sẽ được bán lại cho kẻ gian và chính vì thế kẻ gian có thể núp bóng được dưới những tài khoản đã được mua lại. Đây là vấn đề rất là nghiêm trọng.

Thứ ba, dữ liệu ngân hàng cũng không được khách hàng chủ động cập nhập.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ: Theo phương thức cấp tín dụng truyền thống, khách hàng còn gặp nhiều khó khăn khi chứng minh đủ điều kiện vay vốn, đặc biệt là các khoản vay nhỏ và không tài sản đảm bảo.

Do khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nên người dân phải đi vay các nguồn tín dụng không chính thống, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Giải pháp cho vay online sẽ giải quyết được vấn đề này, tuy nhiên, các ngân hàng vẫn còn thận trọng trong cho vay online do quan ngại ba vấn đề.

Thứ nhất là định danh, xác thực khách hàng. Thứ hai là việc thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động do hạn chế về dữ liệu, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng. Thứ ba là cơ chế thu hồi nợ, trong đó có việc thiếu thông tin về khách hàng để thu hồi nợ.

"Nhưng với ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ chế thẩm định, phê duyệt tự động là cơ hội rất tốt cho các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước giải quyết các vấn đề quan ngại trên, giúp người dân dễ dàng vay vốn ngân hàng trên kênh số với lãi suất hợp lý”, bà Oanh nhấn mạnh.

Chỉ khi nào người dân vay khoản tiền giá trị nhỏ tại ngân hàng trở nên thuận tiện thì khi đó tín dụng đen mới "hết đất sống".

Chỉ khi nào người dân vay khoản tiền giá trị nhỏ tại ngân hàng trở nên thuận tiện thì khi đó tín dụng đen mới "hết đất sống".

Liên quan đến vấn đề làm sạch dữ liệu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Hiện NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Và đang tiếp tục rà soát làm sạch hàng triệu hồ sơ khách hàng còn lại…”.

"Đến nay, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa..." Thống đốc nói.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 - Bộ Công an cho biết: “Với nền tảng dữ liệu dân cư đảm bảo đúng - đủ - sạch - sống…", Bộ Công an cũng đã phối hợp với các tổ chức ngân hàng xác minh thông tin công dân gắn với giấy tờ nghi ngờ giả mạo, lừa đảo thông qua đối sánh sinh trắc học, từ đó xác minh nhân thân. Qua đó góp phần phòng ngừa rủi ro tài chính, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm.

Ngoài ra, Bộ Công an đang hoàn thiện giải pháp để cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư để tạo thêm kênh thông tin tham khảo cho các tổ chức tài chính, ngân hàng đánh giá hiệu quả trước khi giải ngân các khoản tín dụng, nhất là các khoản tín dụng nhỏ giải ngân nhanh giảm thiểu tín dụng đen đang ngày càng phát triển mạnh ảnh hưởng tới đời sống xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm