Báo cáo tại đại hội về kết quả kinh doanh 2021, ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB cho biết: Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.000 tỉ đồng, đạt 106,7% kế hoạch, vốn điều lệ tăng thêm 40% lên trên 15.500 tỉ đồng; tổng tài sản tăng 26,5% đạt hơn 309 ngàn tỉ đồng.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của VIB ghi dấu ấn tích cực với mức tăng trưởng 54% so với 2020.
Năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 10.500 tỉ đồng, tăng 31% so với năm ngoái. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỉ đồng; 265.600 tỉ đồng và 280.600 tỉ đồng...
Một nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay là VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỉ đồng, tăng 35,7%.
Trong đó, VIB dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và chia cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) tỷ lệ 0,7% từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Trong đó, cổ phiếu thưởng cho cổ đông sẽ không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng còn cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên sẽ bị hạn chế giao dịch 1 năm theo quy định của luật.
Được biết, VIB là một trong số ít ngân hàng đều đặn chia cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông và ESOP hàng năm cho người lao động.
Ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc VIB nhấn mạnh: “Sau khi được nhận ESOP, cổ phiếu đó thuộc về cán bộ nhân viên chứ không bị thu hồi khi nghỉ việc”.
Mục đích của việc tăng vốn là để VIB có thêm nguồn lực đầu tư cho các dự án hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc VIB sẽ tập trung phát triển số hóa như thế nào, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ Công nghệ VIB trả lời: "VIB tập trung rất nhiều đầu tư vào công nghệ và đã đầu tư 6-8% doanh thu thuần cho số hóa. Hiện phần số hóa của VIB gồm app MyVIB, data dữ liệu và công nghệ."