Vụ 25 tấn cá nục ở Quảng Trị bị phát hiện nhiễm chất phenol cùng với cách làm việc của các cơ quan chức năng của tỉnh - qua thông tin trên báo chí, những ngày này đang làm người dân lo lắng. “Cá có phenol thì độc hại hay không độc hại, có được tiêu thụ hay không, vì sao mỗi cơ quan nói một kiểu?” là các thắc mắc người tiêu dùng đang cần sự giải đáp công khai và chính xác.
Căn cứ nào nói độc - không độc?
Liên quan đến câu chuyện về chất phenol trong 30 tấn cá nục tại thị trấn Cửa Tùng, Quảng Trị, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã yêu cầu chuyển mẫu cá này để Cục kiểm tra lại. Tuy nhiên, đọc thông tin các báo sáng qua (12-6), tôi cảm thấy bức xúc lẫn hoang mang. Một lô cá có phenol, giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho rằng chất phenol “không có trong các chỉ tiêu theo dõi an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp”, còn Sở Y tế thì khẳng định đó là chất tuyệt đối cấm. Căn cứ, cơ sở pháp lý nào hai ông đưa ra phát biểu ấy? Sao không nói rõ để người dân có thể tra cứu xem lời các ông là đúng hay không.
Thời gian tranh luận của các vị càng kéo dài thì thiệt hại kinh tế của các chủ vựa thu mua cũng như bà con ngư dân càng lớn. Cấm hay không cấm đều phải dựa trên văn bản pháp lý rõ ràng. Mỗi cơ quan đưa ra một ý kiến khác nhau thì người dân biết tin ai?
Chị Nguyễn Thị Bình (Quảng Trị) bên thùng cá không bán được trong phiên chợ buổi sáng sau thông tin vụ cá nục nhiễm chất cực độc phenol. Ảnh: Thanh Thủy
Sự chậm trễ đưa ra kết luận còn vô tình có thể làm “tê liệt” mọi hoạt động thu mua cá nục và các loại hải sản khác tại khu vực biển Cửa Tùng nói riêng và vùng biển các tỉnh lân cận như Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh nói chung. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi kilogam cá nục trong tủ đông có giá 14.000 đồng nhưng nay chỉ còn 8.000 đồng. Theo số liệu chính thức từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, có 12 đầu mối thu mua cá nục ở khu vực thị trấn Cửa Tùng. Bao nhiêu tấn cá nục trong kho có nguy cơ không thể xuất bán vì bị nghi nhiễm phenol?
Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính quyền cần tuyên truyền, xác định rõ cá nào là sạch, để bà con còn bán, không thể cứ kiểu mỗi “ông” nói một đường làm khổ cả người tiêu dùng, ngư dân và người kinh doanh.
PHÚ XUÂN (2/183 Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế)
Cần mau chóng thống nhất cách xử lý
• Mùa hè ở quê tôi, ăn cá là rẻ nhất, khoảng 100.000 đồng là đủ để cả nhà có hai bữa ăn ngon lành. Nhưng giờ thì chúng tôi hoang mang quá. Tối hôm trước, nghe bạn bè nói chuyện tôi mới biết mẫu cá nục lấy từ trong kho đông lạnh của một cơ sở thu mua hải sản ở Quảng Trị bị nhiễm chất phenol. Lại nghe nói đây là chất cực độc và cấm dùng trong thực phẩm. Nhưng tất cả đều là nói đi nói lại. Tôi mong các cơ quan chức năng làm rõ lý do lô hàng có chất phenol, do cố ý hay do tác động tự nhiên - khách quan, thông tin rõ ràng để các lô cá khác, loại cá khác không vô tình bị chụp mũ “có phenol”, để chúng tôi yên tâm ăn cá.
NGUYỄN THỊ HOA (xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An)
• Trong khi hai ngành nông nghiệp và y tế tỉnh Quảng Trị đang “đấu” nhau về quan điểm thì chúng tôi chỉ còn biết tự bảo vệ mình bằng cách đọc báo, hóng các thông tin mới trên mạng để biết phenol có bị cấm trong thực phẩm không, lỡ ăn cá nục có phenol thì có ảnh hưởng gì không… Thông tin từ các cơ quan nhà nước phải đảm bảo độ chính xác trước khi phát ngôn chứ cứ tranh cãi nhau, chúng tôi theo dõi thông tin cũng thấy… mệt lây!
ĐỖ VĂN MINH (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM)
• Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cần nhanh chóng dẫn các văn bản quy định rõ việc cấm - không cấm, các tiêu chuẩn liên quan đến phenol và hệ lụy (nếu có). Nếu trường hợp thật sự chưa có văn bản mà chỉ có những cảnh báo - lo ngại thì Bộ Y tế cũng cần sớm có ý kiến để địa phương thống nhất việc xử lý lô cá và thông tin đến dân.
MINH NHẬT (giảng viên ĐH, quận Bình Thạnh, TP.HCM)