Trong căn nhà cũ thấp hơn mặt đường cả nửa mét, một cụ bà cẩn thận đút từng muỗng cơm cho chồng - một cụ ông gầy gò, ốm yếu. Thấy chúng tôi đang từ xa bước tới, ông liền gọi vợ: “Bà ơi, nhà có khách”.
Sống nhờ tình thương láng giềng
Chúng tôi có mặt tại nhà 7/50 tổ 21B, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè vào xế chiều một ngày giữa tháng 4. Từ trong, cụ bà nói trên bước từng bước nặng nề ra cửa, đon đả: “Mời các cháu vào nhà dùng nước”.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết bà tên là Đỗ Thị Năm (76 tuổi), còn ông là Lê Văn Tân (85 tuổi). Hai ông bà là người Sài Gòn gốc. Năm 1958, họ lấy nhau và sinh được một người con trai. Từ ngày đó, xe bán rong hủ tiếu gõ trở thành nguồn sống nuôi cả gia đình.
Anh con trai lớn lên làm công nhân, đồng lương còm cõi cũng chỉ vừa đủ nuôi bản thân chứ không thể đỡ đần cha mẹ. Rồi anh lấy vợ, vì gia cảnh nghèo khó nên ở hẳn bên nhà vợ. Từ đó, hai ông bà nương tựa lẫn nhau, cố gắng bán buôn kiếm sống qua ngày.
Thế nhưng trong một lần bưng đồ để bán hủ tiếu, ông Tân bị té khiến tổn thương xương sống phải nằm một chỗ trong thời gian dài. Thương chồng, bà Năm gắng sức vay mượn láng giềng để chạy chữa thuốc men cho ông. Nhưng khi ông Tân chưa kịp lành chấn thương thì bà Năm lại bị té trong một lần đem thau chậu ra hứng nước dột từ mái nhà. Bà bị gãy xương đùi, bác sĩ buộc phải nằm một chỗ. Người con trai ở xa không thể về lo lắng cho cha mẹ. Hằng ngày, thuốc men và đồ ăn thức uống đều do hàng xóm thương tình mang sang cho.
Bà Năm tâm sự trong nước mắt: “Tụi tôi già cả rồi, có mỗi thằng con mà nó cũng khổ quá nên không lo được gì. Đã vậy, hiện mỗi tháng tôi còn phải trả góp tiền mua căn nhà. Giờ vợ chồng tôi chỉ biết trông cậy vào số tiền trợ cấp hằng tháng của thị trấn, còn xóm giềng ai cho gì thì ăn nấy”.
Lời tâm sự như gửi gắm tất cả nỗi niềm của cuộc đời bà Năm. Đi một quãng xa mới ngoái lại, chúng tôi vẫn thấy mắt bà hoài ngóng theo. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy này, cả hai ông bà đều không biết ngày mai sẽ ra sao...
Cũng cùng cảnh ngộ neo đơn giống vợ chồng bà Năm là vợ chồng bà Trương Thị Ngọc Tốt và ông Phan Văn Du (đều trên 70 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè). Ông bà có bốn người con trai, hai người đầu đi làm ăn xa ở Bình Dương, đã có vợ con nhưng cũng rất nghèo khó. Người con thứ ba của họ bị tâm thần nặng, còn người con út chưa vợ thì làm thuê tại cảng.
Được biết cách đây gần 10 năm, ông Du bị tai biến phải cưa một chân. Hằng ngày ông phải ngồi xe lăn và uống thuốc tim mạch. Riêng bà Tốt bị tiểu đường, chân tay sưng phù, không thể làm việc nặng. Nguồn sống chủ yếu hiện nay của ông bà là nguồn tiền trợ cấp của chính quyền. Cậu con trai út cũng phận làm thuê, đồng lương ít ỏi nên chỉ có thể mua cho ông bà vài thang thuốc.
1. Mẹ con chị Phạm Thị Mười đan giỏ mưu sinh. Mỗi chiếc giỏ thành phẩm, chị kiếm được vỏn vẹn 1.800 đồng.
Bà Năm cùng chồng, cả hai đều bị tai nạn, đi lại rất khó khăn.
Chị Bé Em đang ngồi chăm chồng bên chiếc võng. Ảnh trong bài: HỒNG TRÂM
“Còn sức khỏe, tôi còn làm nuôi chồng được”
Câu nói ấn tượng đó là của chị Phạm Thị Mười, ngụ 1697/69/11 Lê Văn Lương, ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Chị cho biết chồng mình là anh Đặng Hữu Phúc bị tai nạn lao động hơn 10 năm trước. Sau tai nạn đó, anh Phúc không còn khả năng lao động. Con trai chị là Đặng Hữu Phước bị còi xương từ nhỏ. Dù đã là thanh niên 23 tuổi nhưng Phước vẫn mang hình hài của một cậu bé mới lớn.
Để mưu sinh, hằng ngày chị Mười cùng con trai nhận sợi về đan giỏ. Với một chiếc giỏ rất công phu, chị Mười chỉ kiếm được 1.800 đồng. Hai mẹ con hì hục cả ngày chỉ làm hơn chục cái... Với số tiền ít ỏi đó, chị Mười phải cân bằng chi tiêu để lo cơm mắm cho cả nhà. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của người phụ nữ gầy gò, xanh xao.
“Nhiều lúc gắng sức làm mà không đủ ăn, tôi buồn lắm. Nhưng nhìn cảnh chồng con bệnh tật như vậy, tôi tự nhủ mình còn có sức khỏe thì ráng mà làm nuôi chồng, nuôi con” - chị Mười chia sẻ.
Chào chị Mười, chúng tôi đến căn nhà 18/2 ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè để gặp chị Nguyễn Bé Em. Trước mặt chúng tôi là người phụ nữ với dáng hình nhỏ bé, đen nhẻm. Mời khách vào nhà, chị buồn rầu chỉ vào phía góc nhà, nơi một người đàn ông gầy gò đang ngồi trên võng. “Chồng tôi, Phan Tấn Em đó. Anh bị bệnh phổi nên thể trạng rất yếu, không thể làm gì được. Tôi có hai đứa con gái, đứa đầu học cao đẳng sư phạm, đứa thứ hai đang học lớp 12. Hằng ngày tôi đi rửa chén, đến cuối tháng kiếm được 2,5 triệu đồng”.
Số tiền ít ỏi trên chỉ vừa đủ cho cả nhà rau cháo qua ngày, không đủ để mua thuốc cho chồng và lo cho con ăn học. Chị Em nghẹn ngào: “Khổ lắm cô chú ơi, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc. Cũng may hai đứa con gái biết thương cha mẹ nghèo khổ nên luôn cố gắng ăn học. Lúc rảnh chúng còn tìm việc làm thêm để đỡ đần vợ chồng tôi. Bên cạnh đó, mỗi tháng tôi còn được nhận 700.000 đồng tiền trợ cấp và gạo của chính quyền. Cũng nhờ đó mà gia đình chúng tôi mới sống được đến ngày hôm nay”.
* * *
Những phận người chúng tôi đã gặp ai cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng. Những vòng tay nhân ái và sự giúp đỡ của xã hội có thể sẽ khiến cuộc sống của họ tươi sáng hơn...
Chính quyền luôn cố gắng hỗ trợ người dân Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: Hiện toàn huyện có khoảng 142.000 hộ dân, trong đó số hộ nghèo là 1.280 hộ, số hộ cận nghèo là 2.828 hộ. Để xóa đói giảm nghèo cho bà con, thời gian qua lãnh đạo địa phương đã rất nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ như xây nhà tình thương, hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế, giảm học phí… Các chương trình này được thực hiện từ cấp huyện cho đến cấp xã, thị trấn, khu phố. Ngoài việc hỗ trợ tiền trợ cấp từ ngân sách nhà nước cho các gia đình thuộc diện khó khăn, huyện Nhà Bè còn lập ra quỹ “Kết nối yêu thương” để giúp đỡ bà con. Cụ thể, mỗi tháng các phòng ban sẽ góp quỹ từ 500.000 đồng đến “Đặc biệt, chúng tôi luôn cố gắng vận động kinh phí, nguồn lực từ các doanh nghiệp để thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân. May mắn là đã có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức trao quà, hỗ trợ tiền, gạo cho bà con khó khăn, các mẹ Việt Nam anh hùng” - bà Hải Yến thông tin. Nói về những nỗ lực của chính quyền huyện trong thời gian tới, bà Hải Yến cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ bà con nghèo. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương sẽ cố gắng vận động nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm để giúp bà con nghèo. Chúng tôi rất mong mỏi trong tương lai không xa, số hộ nghèo và cận nghèo của huyện sẽ giảm nhiều, đời sống bà con sẽ ấm no, đầy đủ hơn”. _________________________________________ Ngày 24-4, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp UBND huyện Nhà Bè, Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) sẽ tổ chức trao tặng 200 phần quà cho các hộ dân nghèo ở Nhà Bè. Bạn đọc muốn chung tay giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó vượt qua khó khăn xin gửi về Quỹ công tác xã hội của báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng. Khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Hỗ trợ người dân huyện Nhà Bè”). |