Những giao dịch có thể cần đến giấy tờ của trẻ dưới 14 tuổi chủ yếu liên quan đến việc học tập, đi lại, khám chữa bệnh. Trong hầu hết giao dịch ấy, các em đều không thể tự mình thực hiện mà phải thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ. Vậy, cấp CCCD cho khoảng 19 triệu trẻ em dưới 14 tuổi để làm gì khi nếu được cấp thì các em cũng không thể mang cái thẻ ấy để tự mình xác lập các giao dịch liên quan?
Theo Bộ Công an, việc bổ sung quy định cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được tiện ích của CCCD định danh điện tử, giải quyết được các bất cập liên quan đến xây dựng chính phủ số, xã hội số; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân dưới 14 tuổi khi được sử dụng CCCD; để hội nhập quốc tế, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng; phù hợp với pháp luật về xuất nhập cảnh; bảo đảm tính khả thi về mặt công nghệ…
Cũng theo Bộ Công an, việc cấp CCCD cho đối tượng này là theo nhu cầu chứ không bắt buộc và hoàn toàn miễn phí lần đầu.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về đề xuất này. Những ý kiến ấy không chỉ đến từ dư luận người dân mà còn từ các cơ quan có chức năng thẩm định, thẩm tra như Bộ Tư pháp, các ủy ban của Quốc hội (QH).
Đơn cử, tại phiên họp thường vụ QH ngày 17-3, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này. Vị này cũng cung cấp thông tin đáng lưu ý: Khi xem xét, thông qua Luật CCCD năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận nhưng QH quyết định chỉ cấp CCCD cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.
Để thuyết phục dư luận, có lẽ Bộ Công an cần có nghiên cứu, phân tích sâu bằng những số liệu, cứ liệu cụ thể để làm rõ nhiều vấn đề.
Một là, thực tiễn có bức xúc hay không? Hiện nay, việc thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính của công dân dưới 14 tuổi có bị ảnh hưởng gì không nếu không có CCCD? Việc sử dụng giấy khai sinh (trong đó có số định danh cá nhân do chính Bộ Công an cấp có chức năng quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác) trong các giao dịch này có phát sinh các bất cập, bất tiện, lãng phí? Việc thực hiện các quy định về xuất nhập cảnh, về hội nhập quốc tế liên quan đến trẻ em có bị kẹt vì không có CCCD hay không…?
Hai là, nhu cầu cấp CCCD cụ thể thế nào? Trong khoảng 19 triệu người dưới 14 tuổi thì bao nhiêu phần trăm có nhu cầu cấp CCCD? Bản thân người viết có hai con dưới 14 tuổi thì nhận thấy không có nhu cầu, vì mọi giao dịch của các con từ trước đến nay vẫn ổn với những giấy tờ hiện có.
Ba là, liệu có lãng phí, tốn kém hay không? Bộ Công an cho biết việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi là miễn phí khi cấp lần đầu. Nhưng đó chỉ là lệ phí cấp thẻ, còn những chi phí khác như phôi thẻ, máy móc, trang thiết bị, bộ máy hành chính, con người vận hành, thời gian, công sức đi lại của người dân… Tất cả chẳng lẽ không tính bằng tiền hay sao?
Bốn là, liệu có những biến tướng theo kiểu: Quy định là cấp theo nhu cầu nhưng thực tiễn bắt buộc phải có CCCD mới xong? Mặc dù Bộ Công an khẳng định việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc nhưng nhiều người vẫn rất lo ngại nguy cơ ấy có thể xảy ra và viễn cảnh hàng chục triệu trẻ em cùng cha mẹ phải rồng rắn xếp hàng xin cấp CCCD khiến người ta sợ hãi.
Trên tất cả, nếu quay lại cái gốc của vấn đề là dù có được cấp CCCD đi chăng nữa, đa phần giao dịch cần đến giấy tờ của trẻ dưới 14 tuổi vẫn phải thực hiện thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ. Có thể vẫn có những tiện ích khác khi cấp CCCD cho trẻ, song chúng ta cần cân nhắc thiệt/hơn giữa lợi ích với những phiền hà, tốn kém phát sinh trước khi “bấm nút” thông qua việc này.