Ngày 12-7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa X đã bế mạc sau 2,5 ngày làm việc. Kỳ họp đã thông qua 65 nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong thời gian tới.
Trong đó có 38 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực đầu tư công và các nghị quyết trên các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ cuộc sống...
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Sớm cụ thể hóa Nghị quyết 98
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết đây là kỳ họp lịch sử của HĐND TP. Gọi là lịch sử bởi các đại biểu HĐND TP đã xem xét thông qua các nội dung thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của HĐND TP được quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
HĐND TP đã thống nhất thông qua, ban hành Nghị quyết 18 ngày 10-7-2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết 98.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, nghị quyết của HĐND TP.HCM nhằm tạo bước chuyển biến có tính đột phá, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững.
“Nghị quyết đã xác định trách nhiệm của đại biểu HĐND TP, HĐND TP với 14 nội dung thuộc nhiệm vụ và 13 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND, đồng thời đã giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND TP, HĐND TP” - bà Lệ nói.
Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp là những nghị quyết hết sức quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân TP.HCM trong thời gian tới.
Trong đó, xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết 98 và khẳng định phải sớm được triển khai thực hiện, thể chế hóa. Để cụ thể hóa Nghị quyết 98, HĐND TP đã ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, thời gian hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; Nghị quyết về điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, quyết định việc sử dụng ngân sách TP để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng…
“Đây là những nghị quyết hết sức quan trọng, làm cơ sở để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân TP năm 2023 và những năm tiếp theo” - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, HĐND TP đã thông qua nghị quyết giám sát “Việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025”, qua đó cùng với UBND TP triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công như đường vành đai 3, cầu Long Kiểng - Nhà Bè, nút giao thông Trần Não.
Lấy phiếu tín nhiệm cán bộ
chủ chốt do HĐND bầu
Trong sáu tháng cuối năm 2023, HĐND TP.HCM sẽ tập trung giám sát chuyên đề về triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2025; triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98 và giám sát kết quả triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết này.
HĐND TP giám sát việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển y tế trên địa bàn TP, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 13 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM… HĐND cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 96/2023 của Quốc hội.
Chủ tịch HĐND TP.HCM NGUYỄN THỊ LỆ
Đẩy nhanh tiến độ
đầu tư công
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP phân tích, đánh giá bối cảnh, dự báo sớm các tình huống kinh tế - xã hội năm 2023 để có sự chủ động ứng phó, tập trung đầu tư, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực đang và có khả năng gặp khó khăn trong thời gian tới.
UBND TP tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 7,5%-8%; khẩn trương xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, nhóm giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 98 kịp thời và đạt hiệu quả. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TP, hoàn thành quy hoạch chung của TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đặc biệt, tập trung thúc đẩy tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm như đường vành đai 3; dự án khép kín đường vành đai 2, dự án chống ngập, metro số 1, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm…
HĐND TP.HCM cũng chỉ đạo UBND TP tăng cường kiểm tra và khắc phục các vụ việc tồn tại, kéo dài, kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo xử lý dứt điểm; nhanh chóng triển khai thực hiện các chương trình, công trình dự án trọng điểm.
Đặc biệt, UBND TP cần thực hiện có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; xây dựng, phát huy đội ngũ cán bộ, công chức TP.HCM đủ năng lực thực thi hiệu quả nhiệm vụ được giao để thực thi tốt các đầu việc theo Nghị quyết 98.•
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Bố trí gần 7.000 tỉ đồng làm dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Với 65 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa X, có một nội dung đáng chú ý trong lĩnh vực hạ tầng giao thông của TP là HĐND TP đồng ý điều chỉnh quy mô, nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Cụ thể, đồng ý chủ trương về điều chỉnh quy mô và đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách TP tham gia dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài như đề xuất của UBND TP.
Theo tờ trình, UBND TP đề nghị điều chỉnh quy mô dự án và cho phép TP bố trí thêm 2.900 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP tham gia hỗ trợ công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP để nâng cao tỉ lệ % góp vốn nhà nước trong dự án; nhằm tăng tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Như vậy, tổng vốn ngân sách TP cần bố trí theo phương án này là 6.927 tỉ đồng, tăng 1.026 tỉ đồng so với phương án trình HĐND TP trước đây. Trong đó, 4.027 tỉ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và 2.900 tỉ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030.
UBND TP dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước ngày 31-8-2023. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 31-12-2023. Dự án dự kiến khởi công trước ngày 30-4-2025 và hoàn thành, thông xe dự án trước ngày 31-12-2027.
Một tin vui cho quận, huyện là trong kỳ họp này, HĐND TP đồng ý thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi thường xuyên năm 2023. Trong đó, điều chỉnh dự toán chi thường xuyên giữa các lĩnh vực đối với kinh phí điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các quận.
Khi thực hiện chính quyền đô thị từ năm 2021, 16 quận không còn là một cấp ngân sách nên các khoản kết dư ngân sách và dự phòng ngân sách phải chuyển về TP. Điều này ảnh hưởng đến sự chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành của địa phương. Nay TP.HCM quyết định chuyển lại cho 16 quận.
Đồng ý với chủ trương này, HĐND TP.HCM bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2023 cho UBND các quận từ số thu các quận đã chuyển về ngân sách TP hơn 255 tỉ đồng.
HĐND TP.HCM cũng thông qua danh mục chín dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn TP; chưa chấp thuận thông qua danh mục bốn dự án khác cần thu hồi đất do chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định, chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023.
HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư 30 dự án khác trên địa bàn TP.HCM ở nhiều lĩnh vực; thống nhất chi gần 190 tỉ đồng từ ngân sách TP để đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở HĐND và UBND TP.HCM giai đoạn 2023-2025.
HĐND TP.HCM cũng thông qua Nghị quyết về thành lập đoàn giám sát việc quản lý nhà nước về lao động và việc làm ở TP.HCM giai đoạn 2020-2025.
NHÓM PHÓNG VIÊN