Đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát: Nhìn từ nhiều phía

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc: ‘Chúng tôi làm là có trách nhiệm’

Sáng 4-7, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh việc cấp phép cho Công ty Điện lực  Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát… xuống vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

“Mọi người yên tâm, chúng tôi làm là có trách nhiệm…”

. Phóng viên: Vị trí 300 ha quy hoạch làm khu vực nhận chìm là lựa chọn của tỉnh Bình Thuận hay Bộ TN&MT?

+ Ông Nguyễn Linh Ngọc: Bình Thuận quy hoạch địa điểm ấy. Khi nhận được quy hoạch này thì Bộ TN&MT cũng có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khu vực ấy. Đánh giá xong ĐTM, đến khi họ chuẩn bị phần việc làm cảng, nạo vét luồng tàu, nhận chìm vật liệu nạo vét ấy thì họ đưa tiếp hồ sơ lên Bộ để chúng tôi thẩm định lại. Việc thẩm định này là sau khi báo chí, người dân băn khoăn.

. Vậy tại sao lại đồng ý cấp phép khu vực 30 ha trong 300 ha đó cho hoạt động nhận chìm của dự án cảng, luồng quay tàu Vĩnh Tân 1?

+ Các bạn hình dung thế này, Khu bảo tồn Hòn Cau độ sâu 5-10 m, kéo ra xa là một khu vực gò, rồi tiếp đó là tụt xuống độ sâu 36,1 m (khu vực 30 ha sẽ tiến hành việc nhận chìm - PV) trải dài ra ngoài khơi. Như vậy nhận chìm cát, bùn, đá ở đây thì sẽ lan ra ngoài chứ không vào trong.

Mặt khác, thời điểm cho phép nạo vét là từ tháng 4 đến tháng 10. Đó là mùa gió Tây Nam, kết hợp với sóng thì thuận lợi cho việc nhận chìm cũng như không để xâm hại đến khu vực bảo vệ.

Chúng tôi cũng khảo sát sinh vật, môi trường biển; vật liệu dự kiến nạo vét cũng được lấy mẫu, xét nghiệm đầy đủ. Xin nhắc lại, đây là vật liệu nạo vét đáy biển khu vực làm cảng, luồng quay tàu chứ không phải chất thải nhà máy.

. Nhưng dư luận cho rằng khu vực đó quá gần Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau?

+ Xin khẳng định là không gần. Điểm nhận chìm đó cách Hòn Cau 8 km, cách vành đai bảo vệ Hòn Cau, điểm xa nhất cũng là 2 km.

Tất nhiên không thể khẳng định là hoàn toàn an toàn. Vậy nên trong quá trình nạo vét, vận chuyển vật liệu nạo vét, nhận chìm vật liệu nạo vét thì phải tổ chức giám sát. Giám sát trọng lượng, đường đi của từng chuyến tàu, từ khởi đầu đến lúc nhận chìm, không để rơi rớt dọc đường. Rồi phải giám sát, quan trắc các khu vực cần bảo vệ: Khu bảo tồn Hòn Cau, rạn Breda, khu vực nuôi tôm. Nếu có vấn đề gì vượt ngưỡng cho phép thì dừng ngay, không cho nạo vét nữa.

Điều này chủ đầu tư chấp nhận và nếu có thiệt hại môi trường thì chủ đầu tư phải bồi thường. Cũng xin lưu ý là quá trình nạo vét, nhận chìm là làm từng bước một và đều được giám sát chặt chẽ. Vậy nên nếu xảy ra sự cố gì đó thì sẽ khoanh vùng, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Vậy nên mọi người yên tâm. Chúng tôi làm là có trách nhiệm, giám sát chặt chẽ, bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường một cách bền vững nhất.

TS Nguyễn Tác An cho rằng việc đổ khối lượng bùn, cát cả gần triệu mét khối xuống vùng biển gần Khu bảo tồn Hòn Cau  “chắc chắn sẽ gây ra tác động sinh thái rất dữ dội”. Ảnh: PHƯƠNG NAM

“Không nên đặt những câu hỏi kiểu như vậy” (?!)

. Như ông nói là Bộ đã khảo sát chi tiết khu vực 30 ha cấp phép cho hoạt động nhận chìm này. Vậy hệ sinh thái biển dưới đó thế nào?

+ Cát thôi.

. Có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản?

+ Không có. Nếu có thì không bao giờ chúng tôi cấp phép! Khẳng định với các bạn như vậy! Chúng tôi có trách nhiệm với môi trường, các bạn không nên đặt những câu hỏi kiểu như vậy.

. Với người dân thì vẫn còn băn khoăn là tại sao từ năm 2014 tỉnh Bình Thuận không quy hoạch khu vực nhận chìm xa hơn nữa và giờ khi Bộ cấp phép nhận chìm thì không chọn địa điểm nào xa hơn hẳn, ra ngoài khơi?

+ Cần hiểu thế này, vị trí 300 ha mà Bình Thuận chọn năm 2014 thì lúc đấy đã được đánh giá ĐTM rồi. Giờ lại lập số liệu chi tiết, kiểm tra lại và Bộ đã khảo sát thêm một số vị trí ra xa nữa. Nhưng mà ngoài đó có những yếu tố khác không thể đáp ứng cho hoạt động nhận chìm. Chẳng hạn sóng, gió, địa chất địa hình…

. Người dân chỉ nghĩ rằng biển bao la như thế, chả lẽ ngoài khơi xa kia không có chỗ nào làm tốt hơn cho môi trường ư?

+ Đúng là rất bao la nhưng đâu phải chúng ta đã nắm hết đâu. Chẳng hạn, nằm ở luồng tuyến hàng hải thì làm sao nhận chìm được…

. Từ câu chuyện quy hoạch vùng nhận chìm của Bình Thuận, một câu hỏi là ở cấp độ quốc gia, đã có quy hoạch về các vùng đủ an toàn môi trường cho hoạt động nhận chìm chưa, hay cứ đến nhu cầu cụ thể kiểu Vĩnh Tân 1 thì mới loay hoay quy hoạch, tìm địa điểm?

+ Thực sự là công tác điều tra cơ bản về biển chúng ta mới làm được rất ít, rất ít. Đầu tư cho hoạt động ấy là rất thiếu. Chúng tôi đang làm một điều tra cơ bản về biển, hải đảo, đang làm quy hoạch quốc gia về việc đó để quản lý, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ môi trường biển. Bộ sẽ làm để trình Chính phủ, rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Sau khi có quy hoạch tổng thể ấy, chúng tôi sẽ quy hoạch chi tiết từng vùng một. Lúc đấy tôi mới trả lời được câu hỏi mà bạn đặt ra và chắc là sẽ trả lời cụ thể, thấu đáo hơn.

. Trong quy hoạch mà Bộ đang xây dựng ấy, có chỉ rõ được các vùng đủ an toàn để nhận chìm không?

+ Chưa. Mới chỉ là quy hoạch tổng quan. Bạn hình dung thế này: Trên một diện tích biển có rất nhiều ngành kinh tế hoạt động: đánh bắt cá, khai thác tài nguyên dưới đáy biển, kinh doanh phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn… Vậy thì cần đặt ra các tiêu chí cơ bản sao cho không để các hoạt động ấy xung đột lợi ích với nhau. Giải quyết hài hòa như vậy thì mới chỉ ra được là vùng nào ưu tiên cho việc gì trước, việc gì sau.

. Xin cám ơn ông.

___________________________________________

TS Nguyễn Tác An: ‘Sẽ gây ra tác động sinh thái dữ dội’!

“Mặt đáy biển tự nhiên nâng cao lên, gây ra tác động sinh thái, đấy mới là thảm họa”. TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, tiếp tục bày tỏ lo ngại như vậy trước việc Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 cát, bùn xuống biển Vĩnh Tân, gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận).

“Giải thích kiểu đó là không khoa học!”

. Phóng viên: Thưa tiến sĩ, lãnh đạo Bộ TN&MT giải thích rằng đáy của Khu bảo tồn Hòn Cau lồi lõm nên việc nhận chìm cát, bùn, đá sẽ lan ra ngoài chứ không vào trong. Mặt khác, thời điểm cho phép nạo vét từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa gió Tây Nam, kết hợp với sóng thì sẽ không xâm hại đến khu vực bảo vệ?

+ TS Nguyễn Tác An: Giải thích kiểu đó là không khoa học. Biển Bình Thuận là khu vực động lực nước trồi, có nghĩa là nó luôn luôn xáo trộn. Động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Bây giờ, họ lại chọn đúng vào thời điểm có động lực mạnh nhất để đổ thải xuống thì hoàn toàn không đúng.

Hãy tưởng tượng một cái bình, người ta đổ sữa vào đáy, trên mặt có cà phê. Khi dùng thìa đánh lên, tức là có động lực, quá trình khuếch tán làm nó cứ chạy. Đáy biển cũng như vậy, làm sao mà không bị xáo trộn, không phát tán! Vùng động lực học ở biển không bao giờ chìm xuống. Ở đây họ đổ bùn xuống, gặp động lực khuấy nó lên nữa, vùng biển đó sẽ đục ngầu. Các ông đó hãy đến quan sát độ đục sẽ biết ngay. Làm sao mà không tác động được!

Tôi cũng đã nói với Bộ TN&MT rồi, ở đây các nhà khoa học chúng tôi không ngại về độc tố hóa học, độc tố phóng xạ vì nó có bản chất cùng nhau. Việc đổ thải xuống 30 ha sẽ làm cho nền đáy biển cao lên, tối thiểu cũng phải 3 cm. Cứ tưởng tượng vừa rồi ở Yên Bái, mưa lũ quét xuống một lượng bùn như vậy, nó đã đẩy bao nhiêu thứ rồi. Ở đây, mặt đáy biển tự nhiên nâng cao lên, tối thiểu 3 cm bùn, chắc chắn sẽ gây ra tác động sinh thái rất dữ dội, đấy mới là thảm họa. Họ có nghĩ đến chuyện đó không? Khoa học, dư luận xã hội lo lắng là ở chuyện đó.

. Tiến sĩ nghĩ sao khi lãnh đạo Bộ TN&MT nói rằng khu vực cho nhận chìm chất thải cách Hòn Cau 8 km, cách điểm xa nhất vành đai bảo vệ Hòn Cau 2 km nên sẽ không tác động?

+ Khoảng cách ở đây không có ý nghĩa gì hết vì đây là vùng biển có động lực mạnh. Khi làm bẩn biển, nó sẽ tác động trong phạm vi 170 hải lý. Ở đây vài hải lý có ý nghĩa gì! Họ đưa ra những con số đó là để che mắt những người ít hiểu biết về hải dương học thôi! Môi trường biển là môi trường động lực, mà nơi có động lực mạnh nhất Việt Nam chính là vùng biển Bình Thuận. Tôi đã đọc giấy phép rồi, về mặt khoa học còn quá nhiều vấn đề bất ổn.

Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm nếu có hậu quả

. Bộ TN&MT nói rằng đã khảo sát chi tiết hệ sinh thái biển khu vực 30 ha cấp phép cho nhận chìm chất thải chỉ có cát thôi…

+ Làm gì có một vùng biển chỉ toàn cát, nó phải có sinh vật chứ. Ngay cả cát cũng là hệ sinh thái quan trọng. Đây đâu phải vùng đất hoang đâu, đâu phải vùng biển chết mà họ nói như vậy!

. Bộ TN&MT cũng nói rằng khu vực này không có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô, hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản…

+ Đó cũng là ý kiến không hiểu gì về sự sống ở đại dương. Nền đáy cực kỳ quan trọng vì luôn có những sự sống này tiếp nối cho sự sống khác. Đó là nơi sinh sống của những loài động vật đáy, thực vật đáy mà mắt thường không nhìn thấy nhưng nó cực kỳ quan trọng vì nó có vai trò kết nối trung gian trong xích thức ăn giữa vi sinh vật và động vật đáy cỡ lớn mà con người thường khai thác, sử dụng. Chính vì thế mà luật pháp cấm cào cào công suất lớn chạy vì xáo trộn nền đáy là hết sức nguy hại. Có những vùng biển không có san hô, không có cỏ biển nhưng nếu cày xới lên là diệt luôn cả vùng biển.

. Tiến sĩ thấy giải pháp dùng màn chắn đối với lượng chất thải đổ xuống liệu có khả thi, hiệu quả không?

+ Với gần 1 triệu m3 chất thải, tôi chưa tưởng tượng được là họ chắn như thế nào. Nếu đã “gói” lượng chất thải khổng lồ đó lại được, không cho lan truyền thì vì sao không thả gần bờ mà phải ra ngoài biển thả xuống với độ sâu 36 m. Có rất nhiều vấn đề bất thường ở đây.

Có điều khó hiểu là vì sao người ta phải xin bằng được để thải ra biển. Họ lấy lý do trên đất liền không còn đất nữa. Nhưng thực ra về mặt kinh tế, đất dưới biển thậm chí còn giá trị hơn trên đất liền. Vậy vì sao phải hy sinh chỗ giá trị hơn để đổ thải lên đó?

Tôi cũng nhắc lại là Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm về việc cấp phép này. Nếu xảy ra hậu quả, Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Nhà nước chứ không phải Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1. Công ty đó được cho phép thì họ làm. Trong giấy phép, Bộ TN&MT nói nếu xảy ra hậu quả thì công ty đó chịu trách nhiệm là không đúng về mặt luật pháp. Bộ cũng nói đã họp hội đồng khoa học rồi! Có điều tôi chưa biết chất lượng hội đồng khoa học đó như thế nào thôi!

. Xin cám ơn tiến sĩ.

Viện Hải dương học Nha Trang không tham gia hội đồng thẩm định

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 4-7, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết Viện Hải dương học không tham gia hội đồng thẩm định do Bộ TN&MT lập để đánh giá, cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ bùn, cát sau nạo vét xuống biển mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, quan trắc.

Ông Tuấn cho biết hiện nay Viện Hải dương học đang chuẩn bị triển khai công việc của mình và khi dự án nhận chìm này hoạt động. “Qua quan trắc, giám sát phát hiện bất thường, chúng tôi sẽ báo ngay cho Bộ TN&MT” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện ông chưa có tư liệu hay thông tin về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 sử dụng phương pháp màn chắn bùn để ngăn tác động, ảnh hưởng của việc nhận chìm cũng như việc dự án này chỉ đánh giá trên mô hình thông qua phần mềm, không qua kiểm nghiệm thực tế nên ông xin phép không bình luận.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm