Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM: Kinh tế số giúp doanh nghiệp, đời sống người dân tốt hơn

(PLO)- Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM khẳng định mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế số là giúp kinh tế TP phát triển, đời sống người dân tốt hơn, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-4, Sở TT&TT TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), tổ chức hội thảo nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số TP.

Kinh tế số giúp đời sống người dân tốt hơn

Tại hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết trong giai đoạn hiện nay, TP đang tập trung tìm những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số để thực hiện các chỉ tiêu đặt ra của TP và quốc gia.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM: Kinh tế số giúp đời sống người dân, doanh nghiệp tốt hơn-kinh-te-so
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng trao đổi tại hội thảo phát triển kinh tế số. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Về các thách thức trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số ở TP.HCM, ông Thắng cho biết hiện nay TP có khoảng 260.000 doanh nghiệp (DN), tỉ lệ DN vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng số khoảng 40%.

Ông Thắng cho rằng đây là một trong những bài toán khó mà TP phải giải quyết. “DN lớn chuyển đổi số có nguồn lực, điều kiện, chuyên gia, nhưng DN nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn của TP.HCM thì chưa đủ điều kiện và chính sách để chuyển đổi số nhanh. Nếu khối này chuyển đổi số nhanh thì sẽ đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số TP rất lớn”- ông khẳng định.

Ông thông tin hiện nay có rất nhiều công cụ đo lường về chỉ tiêu kinh tế số. Như năm 2022, Tổng Cục thống kê đánh giá kinh tế số TP.HCM chiếm 13,51% GRDP, đứng thứ bảy cả nước, còn Bộ TT&TT đánh giá kết quả kinh tế số của TP.HCM cũng đứng hạng bảy nhưng kết quả thì cao hơn, chiếm 18,86% GRDP.

“Vấn đề về cách đo lường, tỉ lệ đo lường cũng là cũng bài toán phải giải của TP.HCM”- ông Thắng nói thêm và đề xuất các chuyên gia góp ý cho TP.HCM xây dựng công cụ đo lường kinh tế số định kỳ vào hàng quý hoặc sáu tháng, giúp TP.HCM xác định những giải pháp trong từng giai đoạn sát với tình hình thực tiễn.

“Mục tiêu cuối cùng là kinh tế TP phát triển, đời sống người dân tốt hơn, DN hoạt động thuận lợi hơn chứ không phải để đạt mục tiêu 22% chỉ tiêu kinh tế số” – ông Thắng nhấn mạnh.

Cần có chỉ tiêu cho từng ngành

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, khẳng định sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho TP.HCM nghiên cứu cách tính chỉ tiêu kinh tế số và đề xuất giải pháp tổng thể cho TP đặt chỉ tiêu kinh tế số.

Theo ông Tuấn, UBND TP.HCM cần ban hành kế hoạch về kinh tế số tổng thể. “Ngành sản xuất thì ai chủ trì, giáo dục số đóng góp bao nhiêu, cách làm như thế nào, y tế số làm ra sao… phải có chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành. Lúc đó các ngành cùng nhìn thấy chỉ tiêu, phương pháp để cùng chạy, đạt được chỉ tiêu kinh tế số” – ông Tuấn nói và cho biết trước đây Viettel từng nghiên cứu theo cách tính của Viện Kinh tế số của Bộ TT&TT, chưa theo cách tính của Tổng Cục Thống kê.

kinh-te-so-2.jpg
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, đề ra các giải pháp kinh tế số. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Tuấn nhìn nhận việc công bố chỉ tiêu kinh tế số là nhiệm vụ của Tổng Cục Thống kê. Do đó, cần nghiên cứu sâu cách tính và các chỉ số mà Tổng Cục thống kê ban hành để đồng hành cùng TP tốt hơn, tránh nghiên cứu nhiều phương pháp. “Mục tiêu kinh tế số năm 2025 đã gần kề, con số từ 13% lên 22% là con số thách thức” – ông nói và đề nghị cần có giải pháp thu thập tự động các số liệu.

Nhắc đến sự kiện ra mắt Trung tâm Công nghệ 4.0 TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tuấn đề nghị TP cần tập trung vào hạ tầng số để đẩy mạnh kinh tế số. Trong đó phải đi đầu về công nghệ 5G mà việc này sẽ được Viettel tập trung mạnh vào TP.HCM, nhất là các khu vực có tiềm năng như Khu Công nghệ cao, khu công nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam (Viettel), TP.HCM đang thu hút nhà đầu tư lớn đề đầu tư các data center lớn, ngay cả Tập đoàn Viettel cũng đầu tư một trung tâm tại huyện Củ Chi. “TP cần nhìn đây cơ hội để thu hút các đơn vị khác đặt data center tại TP.HCM, tạo nguồn doanh thu lớn cho TP” – ông đề nghị và cho rằng nếu TP thu hút được các đại bàng lớn về TP.HCM thì sẽ dễ dàng đạt các chỉ tiêu về kinh tế số.

Song, đối với việc chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ, ông Tuấn đề nghị chia nhỏ các nhóm DN để có giải pháp phù hợp hỗ trợ DN chuyển đổi số. Ông cho rằng DN nhỏ đầu tư theo kiểu “con gà, quả trứng”, có nghĩa là đầu tư phải có hiệu quả, nếu không sẽ “rón rén”. Do đó, phải có “nước mồi” để DN “chạy”. Ông cũng khẳng định các ngành y tế, giáo dục đang có nhiều dư địa để thúc đẩy chuyển đổi số, qua đó đóng góp vào kinh tế số.

Ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho biết năm 2020, Cục Thống kê TP.HCM đã thành lập tổ nghiên cứu về kinh tế số và có sự hỗ trợ của chuyên gia.

Theo ông Tường, đo lường kinh tế số của Việt Nam được tiếp cận cả về cung và cầu. Tổng điều tra kinh tế được thực hiện 5 năm một lần, thực hiện điều tra trên tất cả đơn vị có hoạt động kinh tế, kể cả hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp cá thể, tôn giáo…

Từ năm 2023, Cục Thống kê TP.HCM đã lồng các chỉ tiêu để tính kinh tế số, trong đó có chỉ tiêu chi phí đầu tư công nghệ thông tin, doanh thu…

Ông Tường khẳng định mục tiêu cuối cùng của việc phát triển kinh tế số là hiệu quả của ngành kinh tế, hiệu quả của sự phục vụ người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm