Công văn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện nay Luật Giao thông đường bộ quy định người khuyết tật chỉ được cấp bằng lái xe ba bánh chứ chưa có quy định cấp bằng lái xe hai bánh.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM có bài “Khuyết tật như thế nào mới được lái ô tô?” (đăng ngày 31-5) phản ánh về những quy định và hướng dẫn đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái ô tô hạng B1 với xe số tự động theo Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6. Bài viết trên đã nhận được nhiều phản hồi cho rằng vấn đề nan giải nhất của người khuyết tật là không được cấp phép lái mô tô hai bánh trong khi nhu cầu rất lớn.
Từ đó, ngày 12-6, DRD đã lấy ý kiến khảo sát của người dân về việc cấp bằng lái mô tô hai bánh cho người khuyết tật. Kết quả, có 78% người khuyết tật sử dụng mô tô hai bánh làm phương tiện đi lại nhưng không được cấp giấy phép lái xe. Việc điều khiển xe không có giấy phép lái xe đã làm cho người khuyết tật vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, cơ hội tham gia các hoạt động xã hội cũng bị hạn chế. 95,7% người khuyết tật mong muốn được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái mô tô hai bánh. Cuộc khảo sát cũng có 98% người không khuyết tật ủng hộ việc cấp bằng lái xe hai bánh cho người khuyết tật.
Từ kết quả khảo sát, đại diện cộng đồng người khuyết tật, DRD đề xuất giải pháp nên có quy định cho phép đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người khuyết tật điều khiển mô tô hai bánh.
Trong công văn nói trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ tiếp nhận và nghiên cứu đề xuất này của DRD. Sau khi nghiên cứu, trong quá trình sửa Luật Giao thông đường bộ sẽ đưa ra trao đổi để thống nhất với các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật được sử dụng phương tiện tham gia giao thông.