Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ‘một mình cô đơn trái chín’

Trong thế hệ nhạc sĩ thành danh những năm 1960-1970 ở miền Nam, nhiều người cho rằng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không phải là cái tên nổi bật. Bởi so với các nhạc sĩ khác, sáng tác của ông không quá nhiều (chỉ trên dưới 20 bài). Nhạc Nguyễn Ánh 9 cũng không có một giọng ca chuyên trị như nhạc Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, nhạc Lê Uyên Phương có Lê Uyên, nhạc Phạm Duy có Thái Thanh, Hà Thanh… Và so với các nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được biết đến nhiều như một nhạc công chơi đàn dương cầm đệm cho ca sĩ…

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong phòng thu cuối năm 2012 khi thu âm đĩa than Lặng lẽ tiếng dương cầm. (Ảnh do Music Faces cung cấp)

Thế nhưng khó ai có thể phủ nhận những bản tình ca của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mang một màu sắc riêng biệt. Đó không phải là những bản nhạc gai góc, thời cuộc mà tất cả đều là những bản tình ca như lời tự sự với chính mình. Đó là những câu chuyện tình buồn, tình chia ly nhưng dường như buồn, chia ly đó là định mệnh.

Vì thế, người “anh” trong nhạc Nguyễn Ánh 9 luôn là người nhận hết chua cay, không đổ lỗi cho người mình thương. Trong tất cả khúc nhạc tình của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 rất khó tìm thấy sự trách móc của người nam đối với người nữ vì bị phụ tình như trong ca khúc của nhiều nhạc sĩ khác. Ngay cả ca khúc với ca từ lẫn nhạc điệu nghe quyết liệt nhất, trong thời trẻ trung nhất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là ca khúc Không thì vẫn là “tôi không còn yêu em nữa”, trách móc nặng lắm thì cũng là lỗi của cả hai “tình mình đã lắm thương đau, tình mình gian dối cho nhau”.

Có lẽ âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 cũng chính là con người ông, luôn nhận hết đắng cay về mình. Ông vẫn luôn tự nhận mình là nhạc công hơn là nhạc sĩ, ông vẫn luôn im lặng trước những ngoa ngôn của nhiều nghệ sĩ mới sau này chứ không đôi co và hơn cả ông luôn là người chọn thứ tha làm trước. Thế nên nhạc Nguyễn Ánh 9 có thể xem là cuộc đời của ông, một đời sống riêng biệt, tách khỏi những thị phi, đó là sự độc hành trong cảm xúc để ông có thể viết:Cô đơn, Bơ vơ, Buồn ơi chào mi, Mênh mông tình buồn, Kỷ niệm, Trọn kiếp đơn côi, Tình khúc chiều mưa, Một lời cuối cho em, Ai đưa em về, Cho người tình xa…

Và sự độc hành trong cảm xúc, bản tính thứ tha còn giúp ông trở thành một nghệ sĩ dương cầm lớn. Trong tiếng đàn của Nguyễn Ánh 9 có sự hy sinh để tác phẩm lên ngôi dù đó là những bản tình ca của nhạc sĩ khác sáng tác. Từ tiếng đàn rất tình của ông mà nhiều giọng ca đã đạt xúc cảm để thăng hoa như ca sĩ Khánh Ly, Thái Thanh, Ánh Tuyết…

Hôm qua, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã giã biệt một cuộc đời độc hành; trong cõi xa kia, không biết sẽ có ai cùng ông chia sẻ cảm xúc, hay ông lại tiếp tục “Anh lang thang, một mình thương yêu trống vắng. Mùa thu cánh nâu, vàng con lá sầu. Anh đi, một mình cô đơn trái chín. Chiều lên gió cao, hú gọi tên nhau” như trong ca khúcMùa thu cánh nâu.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (Jerome Nguyễn Đình Ánh) đã qua đời vào 14 giờ ngày 14-4-2016 (nhằm ngày 8 tháng 3 năm Bính Thân).
Hưởng thọ 77 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ ngày 15-4 tại tư gia (2C3 Thích Quảng Đức, Quận Phú Nhuận, TP.HCM) 
Lễ truy điệu diễn ra vào 6 giờ ngày 18-4.
Sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm