Nhạc sĩ của những tác phẩm như: Ai đưa em về, Biệt khúc, Bơ vơ, Buồn ơi chào mi, Không…tâm sự, ông có một tình yêu đặc biệt, sâu nặng với Hà Nội, không phải bởi ông có “nàng thơ” nào đó ở Thủ đô dịu hiền, mà bởi chính Hà Nội đã giúp ông “tái sinh” với âm nhạc, khi ông tưởng như mình không còn có cơ hội được đàn cho khán giả nghe nữa.
Năm 2002, ca sĩ Ánh Tuyết mời Nguyễn Ánh 9 ra đàn cho chị trong chương trình “Mùa xuân đầu tiên”. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn nhớ như in buổi giới thiệu về show diễn hôm ấy. Khi được hỏi tại sao bao nhiêu năm ông mới ra Hà Nội? mới diễn ở Hà Nội? Người nhạc sĩ già chân thành trả lời: “Là vì không có tiền mua vé máy bay, nhạc công thì làm sao đủ tiền mua vé được, lần này là nhờ có Ánh Tuyết nên tôi mới được ra Hà Nội”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng nghĩ cây đàn piano chỉ còn… xếp xó, phủ khăn và bụi, khi mà thị trường âm nhạc rộn ràng với những tiếng đàn điện tử, với âm thanh làm sẵn…
Lần đó, ông đã độc tấu ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, khán giả vỗ tay không ngừng, ông đi vào cánh gà nhiều lần lại trở ra vì khán giả vẫn cứ vỗ tay không ngớt. “Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ, và khán giả Hà Nội đã cho tôi niềm tin và hy vọng, sức mạnh trên con đường của mình, sau đó trở về tôi đã tiếp tục đàn trở lại”, ông nói.
Trong hai đêm liveshow lần này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dự định, ông sẽ nói hết những gì muốn nói, tất cả những tâm tình, tâm tư mà ông chưa từng chia sẻ, để được trò chuyện, giãi bày với khán giả Hà Nội. Một cuộc đời âm nhạc của ông cũng sẽ được khắc hoạ sâu sắc, từ những khi cơ hàn, khó khăn, đến khi thăng hoa rồi những gập ghềnh, trắc trở của cuộc sống, đủ mọi điều hỉ nộ ái ố… Ca sĩ hát đêm nhạc của ông lần này là ca sĩ Hà Nội như NSƯT Đức Long, NSƯT Kim Tiến, Lê Hiếu, Minh Thu, Ngọc Châm, nhóm Con gái… cùng nhiều nghệ sĩ Hà Nội yêu tác phẩm của ông.