Với quyết tâm cùng chung tay gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản Việt, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) từ năm 2019. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU.
Ngư dân nói không với khai thác IUU
Hiện tỉnh Quảng Ngãi có 4.212 tàu được đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp phép khai thác thủy sản. Trong đó số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch là 3.659 tàu (đạt 86,87%), trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 2.913 tàu, chiếm 94,39%.
Những năm trước, tỉnh Quảng Ngãi đứng đầu trong danh sách các địa phương ven biển có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp, nỗ lực tuyên truyền quy định khi đánh bắt hải sản trên biển của những lực lượng chức năng, nhận thức của người dân trong việc chống khai thác IUU đã có sự thay đổi rõ rệt. Đến nay, tình trạng khai thác bất hợp pháp trên biển không chỉ đã chấm dứt, mà những người vi phạm còn tích cực vận động ngư dân khác chấp hành nghiêm pháp luật.
Ngư dân Huỳnh Văn Đàm (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) từng vi phạm đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Quyết tâm sửa chữa vi phạm, ngư dân Đàm nay trở thành tuyên truyền viên, cùng lực lượng chức năng tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp.
Tính đến tháng 6-2024, tỉnh Quảng Ngãi có 2.950 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỉ lệ 99,46% (không tính 120 tàu nằm bờ; hiện còn 16 tàu chưa lắp VMS đã được các địa phương theo dõi, quản lý, không cho phép hoạt động).
Từ đầu năm đến nay, số tàu cá đã đăng kiểm là 1.540 chiếc; tỉ lệ tàu cá đánh dấu tàu cá trên 97% tổng số tàu cá đã đăng ký (100% tàu cá đã đăng kiểm thực hiện đánh dấu tàu cá); đồng thời ban quản lý các cảng cá đã cấp 94 giấy xác nhận cho hơn 2.469 tấn hải sản.
Các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 15 trường hợp trên tổng số 15 phương tiện, với số tiền hơn 276 triệu đồng. H.MINH
“Tôi đã trải qua nên tôi biết, tôi mong bà con từ nay về sau đừng đưa phương tiện của mình xâm phạm lãnh hải của người ta. Khai thác trong địa bàn của chúng ta thôi, đừng nên vi phạm vùng biển nước ngoài” - ngư dân Đàm nói.
Ba lần đưa tàu rẽ sóng ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, thuyền trưởng Tiêu Viết Chánh (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) từng rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần, thậm chí bị nước bạn xử phạt. Qua tuyên truyền, ngư dân Chánh đã nhận thức được việc làm sai trái, cũng tích cực tham gia vận động bạn nghề không đưa tàu đến vùng biển nước bạn đánh bắt.
“Bị bắt đôi ba lần nhưng sau này công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, biên phòng cho biết như vậy là vi phạm pháp luật nên từ năm 2016, 2017 đến nay tôi không đi khai thác ở vùng biển nước ngoài nữa. Cũng có nói với ngư dân địa phương mình đừng đi qua vùng biển nước ngoài” - ngư dân Chánh nói.
Cùng với ông Đàm, ông Chánh, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đều nói không với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Ngư dân cũng đã nhận thức đầy đủ và tuân thủ nghiêm ngặt quy định khi khai thác hải sản trên biển.
Nỗ lực cùng cả nước gỡ thẻ vàng EC trong năm 2024
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác của ngư dân, Quảng Ngãi đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU để góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC.
Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ngãi, cho hay nhiệm vụ chống khai thác IUU được triển khai rất nghiêm túc. Đến thời điểm này, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp để chỉ đạo quyết liệt.
Thực hiện Chỉ thị 32: Tập trung 5 nhiệm vụ
Theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
Gần đây nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản, trong đó tập trung vào các nội dung:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền luôn luôn đặt lên hàng đầu. Cách thức, nội dung tuyên truyền, vận động có sự đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung quản lý những chủ tàu, thuyền trưởng, gia đình có khả năng cao vi phạm quy định IUU khi đánh bắt trên biển. Trong đó, địa phương sẽ tuyên truyền để ngư dân, các chủ tàu thấy được tác hại khi vi phạm khai thác IUU.
Thứ hai, làm tốt công tác quản lý đội tàu, quản lý chặt, hạn chế tối đa, không để tình trạng tàu “ba không”. Theo thống kê, hiện tỉnh Quảng Ngãi có trên 57% tàu đánh bắt ở ngư trường các tỉnh không về các cảng ở Quảng Ngãi trong nhiều năm, đây là vấn đề rất quan trọng.
Công tác quản lý các đội tàu thể hiện rõ vai trò của BĐBP tỉnh. Địa phương đề nghị BĐBP chỉ đạo các đồn ở các cảng cá quản lý tàu ra vào cảng đúng quy định, cương quyết không cho tàu không đảm bảo xuất, nhập cảng.
Song song vấn đề này, ban quản lý cảng cá cũng tham gia công tác quản lý tàu ra vào cảng, tổ chức truy xuất nguồn gốc, phân loại thủy hải sản đánh bắt. Tỉnh cũng đã triển khai cho ban quản lý cảng cá, BĐBP quản lý nhật ký khai thác, tiến tới kiểm soát nhật ký bằng điện tử, quản lý khai thác bằng công nghệ số…
Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng các cảng cá. Địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có năm cảng cá, khả năng đáp ứng so với lượng tàu thuyền chỉ đạt trên 30%. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cảng cá, nạo vét luồng cho tàu ra vào cảng, mở rộng, đầu tư cảng mới trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, phối hợp với tỉnh bạn trong vấn đề quản lý các đội tàu, không chỉ quản lý tàu của Quảng Ngãi đánh bắt ở địa phương khác mà liên quan tàu thuyền của địa phương khác ra vào cảng tại tỉnh.
Cuối cùng, nội dung rất quan trọng là nâng cao vai trò, trách nhiệm và đặc biệt là các chế tài đối với những người trực tiếp làm việc ở các ban quản lý cảng cá, sở, ban ngành, địa phương, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
“Cụ thể, thời gian qua, tập trung chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biên phòng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức của bà con ngư dân trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, sớm gỡ thẻ vàng của EC. Từ đầu năm đến nay, BĐBP đã thực hiện hơn 90 buổi tuyên truyền với hơn 2.500 lượt bà con ngư dân tham gia lắng nghe về phòng, chống khai thác IUU” - Đại tá Long nói.
Bên cạnh đó, BĐBP đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến hành nghề trên biển; yêu cầu tất cả đồn, trạm làm tốt công tác kiểm soát và các phương tiện khi đánh bắt phải đầy đủ trang thiết bị theo quy định; tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp, địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quản lý chặt các phương tiện hết hạn, chưa đăng ký đăng kiểm…
“Thời gian tới, nhiệm vụ chống khai thác IUU đặt ra nhiều vấn đề. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo quốc gia thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống khai thác IUU để làm việc với EC và sớm gỡ thẻ vàng trong năm 2024.
Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, hết sức cấp bách, BĐBP sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp như thời gian qua. Đồng thời, phối hợp chặt với các lực lượng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm răn đe, hạn chế thấp nhất trường hợp vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản cũng như các quy định chống khai thác IUU” - Đại tá Đoàn Thanh Long nói.
Ý kiến
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn:
Ngư dân nhận thức rõ lợi ích gỡ thẻ vàng
Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 500 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ với hàng ngàn lao động nghề biển. Huyện Lý Sơn xác định lấy phát triển kinh tế biển làm ngành trọng tâm. Do đó, việc tuyên truyền cho ngư dân nắm vững kiến thức khi hành nghề luôn được địa phương này chú trọng.
Công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành quy định đánh bắt trên các vùng biển, chung tay chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng EC luôn được huyện quan tâm. Các buổi tuyên truyền, gặp gỡ của BĐBP trên tàu cá diễn ra thường xuyên, giúp ngư dân nhận thức rõ lợi ích của việc gỡ thẻ vàng EC.
Qua tuyên truyền, ngư dân đã ý thức được việc đánh bắt vi phạm ảnh hưởng lớn đến tình hình ngoại giao cũng như phát triển kinh tế địa phương. Vài năm gần đây, Lý Sơn có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ngư dân chấp hành nghiêm chỉnh sự hướng dẫn của cơ quan chức năng. Bằng chứng là vài năm gần đây không có tàu cá vi phạm IUU.
......................
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi:
Phối hợp các tỉnh khác quản lý tàu cá
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU, trực tiếp tham mưu UBND chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Thời gian qua, sở đã thực hiện và phối hợp cùng các đơn vị tăng cường tập huấn, tuyên truyền pháp luật về thủy sản và chống khai thác IUU.
Trước tiên, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân đánh bắt trên biển, quản lý chặt tàu cá 6 m trở lên, phải có giấy khai phép hải sản, đăng kiểm, đặc biệt kiểm soát các tàu “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Bên cạnh đó, đề nghị địa phương quản lý từng tàu, nếu không đủ điều kiện sẽ không được đi đánh bắt. Thời gian tới, tỉnh quyết tâm nâng tỉ lệ lắp đặt giám sát thiết bị hành trình lên 100% tàu cá.
Đồng thời, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của tàu cá trên biển; phối hợp với tỉnh bạn quản lý tàu thuyền khai thác tại các vùng biển trên cả nước.
Thông qua tuyên truyền phổ biến đến bà con ngư dân, công tác quản lý tàu cá trên biển tại các tàu cảng, việc xử lý nghiêm trường hợp vi phạm đã nâng cao nhận thức của bà con. Giúp bà con tuân thủ các quy định trong việc chống
khai thác IUU trong thời gian qua.
..................................................
Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có vị trí chiến lược, với đội tàu thuyền ngư dân đánh bắt xa bờ lên đến hàng ngàn chiếc với hàng chục ngàn lao động.
Ngư dân chung tay bảo vệ chủ quyền
Huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là nơi có bề dày truyền thống đánh bắt hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Nơi đây trong lịch sử từng có Đội Hùng binh Hoàng Sa.
Qua nhiều thế hệ, tình yêu quê hương, gìn giữ chủ quyền biển, đảo đã thấm nhuần trong mỗi ngư dân Lý Sơn. Với họ, việc đánh bắt trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa quen thuộc không chỉ nhằm mục đích nâng cao kinh tế gia đình mà còn mang trọng trách cùng chung tay bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Ngư dân Phùng Văn Giỏi (thuyền trưởng tàu QNg 96337 TS, huyện Lý Sơn) đã kế nghiệp cha ông, gắn bó với nghề biển hơn 30 năm. Ông đã từng mất tài sản, trắng tay trên biển. Dù vất vả, khó khăn, ông vẫn không từ bỏ quyết tâm vươn khơi để cờ đỏ sao vàng tung bay trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
“Tôi sinh ra, lớn lên trên quê hương đất đảo, là nơi truyền thống của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải. Tôi nghe ông cha kể lại nên chúng tôi đã ghi sâu vào ký ức và quyết tâm bám biển để giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - ông Giỏi nói.
“Khi đi làm vươn khơi bám biển xa, giữ chủ quyền biển, đảo, cờ Tổ quốc được treo cao, còn ảnh Bác được đặt ở gần khu vực lái. Khi nhìn ảnh Bác, mình cảm giác như được chỉ đường cho mình đi suôn sẻ, thuận lợi” - ngư dân Nguyễn Văn Chí (thuyền trưởng tàu QNg 96539 TS), huyện Lý Sơn, nói.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho hay Lý Sơn có lịch sử oai hùng, ngư dân nơi này là bảo tàng sống trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mỗi ngư dân đánh bắt trên biển là cột mốc sống gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đối với ngư dân Lý Sơn, từ lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo, ngoài việc vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, ngư dân rất ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển
Lý Sơn có hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài lực lượng chức năng thường xuyên hỗ trợ, hai nghiệp đoàn nghề cá của huyện thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin.
Theo bà Hương, xuyên suốt hành trình đánh bắt của ngư dân, huyện Lý Sơn luôn đồng hành, gắn kết. Trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển, huyện kịp thời động viên, hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng địa phường. Trên cơ sở cơ chế, chính sách, huyện sẽ đối chiếu thực tế để đề xuất kiến nghị cho phù hợp.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương khẳng định: “Ngư dân là các “cột mốc sống”, những “chiến sĩ thầm lặng” trên biển. Do đó, huyện Lý Sơn rất quan tâm đến ngư dân khi đánh bắt trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa”.
“Trong thời gian tới, việc đánh bắt trên biển chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ riêng ngư dân Lý Sơn hay Quảng Ngãi khi nguồn lực thủy sản cạn kiệt, tình hình trên biển bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên… Chắc chắn trong cơ chế, chính sách cần rà soát từ thực tế để có sự điều chỉnh cho phù hợp, giúp ngư dân có động lực vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền” - bà Hương nói.
Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ngãi, cho hay cùng với mục đích phát triển kinh tế, ngư dân đi biển còn có nhiệm vụ hết sức đặc biệt là tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
“Mỗi con tàu, mỗi ngư dân đánh bắt trên biển là một cột mốc sống về chủ quyền của Việt Nam trên biển. Nhận thức được vai trò của ngư dân trên biển để bảo vệ chủ quyền, BĐBP đã chủ động đồng hành cùng bà con ngư dân.
Đặc biệt, năm 2024, BĐBP triển khai chương trình “Móc khóa ngư dân” để mỗi tàu ra khơi, khi có thông tin, có tình huống, sự cố, hoặc có tình hình trên biển thì bà con chủ động thông tin tới đường dây nóng của BĐBP để đơn vị chủ động tham mưu, xử lý kịp thời các tình hình trên biển cũng như hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên biển” - Đại tá Long nói.
Theo Đại tá Long, trong quá trình đánh bắt trên biển, khi ngư dân gặp tai nạn, sự cố thì BĐBP đã tham mưu cho Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi có sự quan tâm, thăm hỏi và hỗ trợ kịp thời để động viên bà con yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền, kết hợp phát triển kinh tế.NHÓM PV