Sắp thông báo án lệ và xử lý hình sự các hành vi khai thác IUU

(PLO)- Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sắp thông báo án lệ hình sự hóa các hành vi khai thác IUU.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-6, tại Đà Nẵng, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác điện tử (eCDT).

khai thác iuu án lệ hình sự hóa
Hội nghị hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác điện tử (eCDT). Ảnh: TẤN VIỆT

Khai thác IUU diễn biến phức tạp

Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ đã tổ chức đoàn công tác làm việc với Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) tại Bỉ về kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC từ sau đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10-2023.

Theo đó, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là việc cơ quan thẩm quyền đã hoàn thiện khung pháp lý và một số cải thiện trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử phạt các hành vi khai thác IUU.

Tuy nhiên, EC khuyến cáo nước ta cần ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, quyết liệt hơn nữa trong xử phạt các hành vi khai thác IUU.

Đặc biệt là hành vi ngắt kết nối VMS, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống eCDT.

Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, có tàu bị các nước bắt giữ, xử lý.

Khai thác IUU diễn biến phức tạp với nhiều hành vi như: Cố tình sử dụng biển số giả, xóa số đăng ký, tàu chưa sang tên đổi chủ hoặc tháo, gửi thiết bị VMS sang tàu khác, ngắt kết nối ở khu vực vùng biển giáp ranh với các nước.

Báo cáo cho hay, việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt gần 100% là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, EC khuyến nghị tình trạng mất kết nối theo quy định với số lượng lớn, diễn ra thường xuyên nhưng kết quả xác minh, xử phạt còn rất hạn chế.

khai-thac-iuu-an-le-hinh-su-hoa-1.jpg
Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhiều trường hợp không xử phạt với lý do không đủ cơ sở là thiếu thuyết phục, không mang lại hiệu quả trong việc thực hiện các quy định pháp luật.

“Cần xử lý triệt để, đến cùng các vụ việc vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu cá mất kết nối dài ngày, đảm bảo xác minh cụ thể từng trường hợp. Tăng cường cơ chế giám sát, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng địa phương nếu không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc xác minh, xử lý hành vi vi phạm VMS”, báo cáo nêu.

Hình sự hóa vi phạm khai thác IUU

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, cơ quan thực thi pháp luật bó tay với vi phạm khai thác IUU thì chỉ có thể từ “thẻ vàng” thành “thẻ đỏ” của EC.

“Có những việc rất đơn giản, cần xác minh xử lý, cần có bằng chứng thì chúng ta không làm kịp thời. Vẫn có tình trạng xâm phạm vùng biển nước ngoài, vẫn có tàu đánh bắt sai vùng, sai tuyến. Vẫn có tàu tắt thiết bị giám sát hành trình. Mà tắt rất hay, cứ ra vùng ven là tắt, cứ bắt đầu chuẩn bị sai vùng thì tắt, đấy là những cái mà chúng ta làm không nghiêm”, ông Luân nói.

khai-thac-iuu-an-le-hinh-su-hoa-2.jpg
Mua bán thủy sản tại Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Luân, dự kiến tháng 10 khi đoàn EC sang Việt Nam thì các yêu cầu của họ về vi phạm vùng biển nước ngoài phải giảm, không có trường hợp nào là tốt nhất.

Việc quản lý tàu từ xuất bến, khai thác trên biển, sản lượng qua cảng và xử phạt vi phạm hành chính cũng là những yếu tố mấu chốt.

Ông Luân cho hay, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sắp thông báo án lệ, nhiều hành vi trong khai thác IUU sẽ đưa ra xử lý hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe về mặt pháp luật.

“Chúng ta tự hào là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới, nhưng quản lý và truy xuất có lẽ đứng ngoài top 100 của thế giới. Phải đồng bộ trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, chế biến xuất khẩu thì mới định hình thương hiệu của thủy sản Việt Nam, giúp cho ngành thủy sản của nước ta phát triển bền vững”, ông Luân nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố xét xử các vụ việc đã phát hiện liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm