Việc GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), xuất hiện trong trang phục quần cộc áo vest trên lớp học đã khiến dư luận bàn tán xôn xao. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người tiếp nhận nội dung bài giảng, nhiều sinh viên tham gia buổi học hôm đó lại cảm thấy thích thú với sự "phá cách" của thầy.
Bạn Bùi Thị Linh Chi, sinh viên năm ba ngành Truyền thông doanh nghiệp, Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM, cho biết do buổi học có chủ đề “Lộ trình sáng tạo” nên các nội dung trong bài giảng của thầy đều liên quan đến vấn đề này.
Buổi học ấy có một chi tiết khiến Linh Chi cảm thấy “sốc” và nhớ mãi, đó là hình ảnh thầy xuất hiện với áo vest và quần đùi. "Đứng ở góc độ marketing, thầy đã rất thành công do cách tiếp thị, cách marketing khiến sinh viên nhớ mãi bài giảng. Bài giảng của thầy hôm đó đã để lại ấn tượng mạnh trong em" -Linh Chi chia sẻ.
"Giáo sư quần cộc" khiến nhiều sinh viên thích thú với cách minh họa bài giảng rất sinh động, dễ nhớ. (Ảnh minh họa)
"Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có người khó chịu với hành động của thầy Thành. Nhưng với em, cách dạy của thầy rất sáng tạo, vượt ra khỏi những suy nghĩ lối mòn trước đây khi thầy truyền được thông điệp cho sinh viên: Sáng tạo là phải vượt ra lề lối bình thường và làm những điều mà người khác không dám nghĩ tới. Cùng với đó, bộ trang phục thầy mặc cũng cho chúng em thấy được sự gần gũi, thân thiện vì trong tâm trí nhiều người, thầy phó hiệu trưởng thường là người ăn mặc lịch sự, chỉn chu, khó gần" - Linh Chi tâm sự.
Đồng quan điểm với Linh Chi, trên Facebook cá nhân của mình, bạn Yến Nguyễn chia sẻ: "Mình có tham gia khóa học đó của thầy. Đó là một buổi học rất hay và hữu ích với các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp. Buổi học có hai bài tập thầy cho sinh viên về nhà thực hành thử. Bài tập thứ nhất là bạn có một quả trứng trên tay, ngoài công dụng làm thức ăn thì bạn có sáng kiến gì khác. Bài tập thứ hai là bạn hãy tìm cách thay đổi bộ trang phục mà mình đang mặc... Để gợi ý cho bài tập này, thầy đã là người tiên phong thay đổi trang phục là quần cộc mặc với áo vest".
Việc "phá cách" trong trang phục của thầy Thành được sinh viên đánh giá là sáng tạo. (Ảnh minh họa)
Cũng theo Yến Nguyễn, việc thầy Thành mặc bộ đồ đó trong lúc giảng bài là muốn truyền tải việc dám phá cách và sáng tạo, kể cả trong cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ việc lớn lao. Sau khi kết thúc bài giảng, thầy đã thay đồ lịch sự.
"Vậy mà dư luận lại dựa vào bộ trang phục thầy mặc minh họa khi giảng bài để đánh giá thầy. Chung quy lại, hãy đánh giá một sự việc qua nhiều khía cạnh, đừng nghe từ một phía. Hãy tự đặt câu hỏi chuyện gì đang xảy ra và tìm hiểu nó, đừng vội đưa ra bất cứ kết luận nào. Không chỉ với quần cộc áo vest, thầy Thành còn xuất hiện với trang phục quần short, áo may ô có lỗ khoét ở bụng nữa" - Yến Nguyễn bình luận trên Facebook của mình.
Cũng với nội dung trên, bạn Tuệ An giải thích sự việc rất khách quan khi chính mình là người có mặt trong buổi học của thầy Thành. Tuệ An cho biết hình ảnh áo thun khoét rốn và quần cộc của thầy Thành xuất hiện trên mạng những ngày qua là hình ảnh thầy trong buổi nói chuyện vào sáng Chủ nhật ở ĐH Bách khoa TP.HCM một năm trước đây (tháng 6-2016).
"Em có tham dự buổi nói chuyện này nên nắm được diễn biến câu chuyện. Hôm đó thầy giảng về chủ đề lộ trình sáng tạo và có một người đã tài trợ 150 chiếc áo phông trắng để thầy phát cho các học viên. Yêu cầu của thầy là các học viên hãy sáng tạo ngay trên chiếc áo ấy. Thầy cũng dùng một chiếc áo để minh họa cho bài giảng. Đó là buổi nói chuyện vào buổi sáng Chủ nhật và là chương trình miễn phí cho sinh viên" - Tuệ An cho biết thêm.